Thanh khoản dư thừa, lãi suất chưa giảm

Theo daibieunhandan.vn

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục cho thấy thanh khoản trong hệ thống đang dư thừa. Dù vậy, thực tế này tác động không mấy tích cực tới lãi suất khi cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn chưa giảm.

Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục. Nguồn: internet.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức thấp kỷ lục. Nguồn: internet.

Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu

Theo đánh giá của một chuyên gia ngân hàng, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đang thấp ở mức “lịch sử” trong khoảng 3 năm trở lại đây. Hồi đầu tháng 9, lãi suất cho vay qua đêm của các ngân hàng ở mức 1% nhưng đến ngày 12.9 giảm xuống còn 0,51%/năm. Lãi suất kỳ hạn một tuần và hai tuần lần lượt về mức 0,59% và 0,77%/năm.

Vài năm qua, mức lãi suất cho vay tiền đồng liên ngân hàng dưới 2%/năm đã được coi là thấp, nay về tới mức quanh 0,5% là mức thấp kỷ lục trên thị trường. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục giữ ở mức khá thấp ở cả 3 loại kỳ hạn trong vài tuần tới.

Theo BVSC, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng thấp như vậy cho thấy, trạng thái dư thừa thanh khoản trong hệ thống các tổ chức tín dụng đang tăng lên. Một số chuyên gia tài chính nhận định đây là cách điều hành có chủ ý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm đạt được một số mục tiêu hỗ trợ cho hoạt động ngân hàng, đồng thời giúp cho điều hành kinh tế vĩ mô. Thời gian qua, NHNN đã tiếp tục mua ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối quốc gia và đưa ra thị trường lượng tiền VND khá lớn.

Mặc dù NHNN đã phát hành tín phiếu để hút tiền về nhưng chưa “thấm” vào đâu nên thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục dồi dào. Khi đó, các ngân hàng lại bỏ tiền nhàn rỗi mua trái phiếu Chính phủ, giúp Nhà nước có tiền đầu tư cho các dự án sử dụng vốn ngân sách. Tới thời điểm này, việc phát hành trái phiếu Chính phủ trở nên thuận lợi hơn, Kho bạc Nhà nước gần như hoàn thành kế hoạch của cả năm 2016, với tỷ lệ đạt gần 83%.

Lãi suất vẫn nhúc nhích tăng

Về mặt lý thuyết, thanh khoản dồi dào sẽ giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người vẫn nghi ngờ điều này khi trên thực tế lãi suất cho vay chưa giảm rõ ràng. Thậm chí, lãi suất tiền gửi tiết kiệm của một số ngân hàng vẫn trong xu hướng nhích dần thời gian qua, cộng kèm nhiều chương trình khuyến mại.

Theo quy định hiện nay của NHNN, trần lãi suất huy động bằng tiền đồng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Lãi suất huy động tiền gửi bằng USD là 0%/năm đối với cả khách hàng cá nhân và tổ chức. Nhưng trên thực tế, một số nhà băng vẫn cộng thêm biên độ 0,1 - 0,3% cho khách hàng gửi tiết kiệm có số tiền trên 1 tỷ đồng ở kỳ hạn 3 - 6 tháng. Tình trạng cộng biên độ lãi suất phổ biến hơn đối với kỳ hạn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị một ngân hàng lớn cho rằng, lãi suất cho vay có thể không giảm ở tất cả các ngân hàng và ở tất cả các phân khúc, sản phẩm cho vay, mà chỉ giảm ở một số ngân hàng dư dả về nguồn vốn và dành cho khách hàng là các doanh nghiệp tốt. Nói cách khác, các ngân hàng đã giảm ở phân khúc bán buôn, còn cho vay bán lẻ như cho vay tiêu dùng thì lãi suất khó giảm.

Chia sẻ về lãi suất, Tổng Giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) Lê Đức Thọ cũng cho rằng, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tại VietinBank đối với khách hàng tốt ở mức 5 - 6%/năm, trung và dài hạn khoảng 8 - 9%/năm. Ông Thọ đánh giá lãi suất này khá thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu xử lý tốt hơn được mối quan hệ giữa thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động vốn trong dân cư thì sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Như vậy có thể nói, mặt bằng lãi suất cho vay hiện đang có dấu hiệu tích cực, đặc biệt sau chỉ đạo của Thủ tướng và của Thống đốc NHNN nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Với các ngân hàng, lãi suất cho vay không đẩy lên, thậm chí còn giảm đáng kể, cả lãi suất cho ngắn hạn và cho vay trung - dài hạn.

Đại diện của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cũng cho biết, những tháng đầu năm lãi suất cho vay của ngân hàng này thực tế đã giảm 0,5%, trong thời gian tới có thể giảm tiếp đối với những khách hàng tốt. Hiện tượng lãi suất huy động tăng trên thị trường chỉ là cục bộ ở một số ngân hàng nhỏ.

Việc lãi suất huy động không được điều chỉnh giảm - theo lý giải của lãnh đạo một ngân hàng là do các ngân hàng vẫn phải giữ để níu khách hàng gửi tiền. Thực tế hiện nay “sức khỏe” của các ngân hàng trong hệ thống không đồng đều, nếu một ngân hàng giảm lãi suất mạnh quá tiền gửi lập tức “chạy” sang ngân hàng khác. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải lo xa, phòng ngừa thanh khoản những tháng cuối năm, đồng thời bảo đảm giữ thanh khoản ổn định cho cả năm sau khi nền kinh tế có thể khởi sắc hơn.