Thanh toán di động: “Mảnh đất hứa” cho các nhà bán lẻ

Theo vietnamplus.vn

(Tài chính) Các tập đoàn bán lẻ tại các nước phát triển đang đua nhau tung ra các ứng dụng thanh toán của riêng mình nhằm “chinh phục” thị trường thanh toán qua điện thoại di động, hứa hẹn sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2017, song cạnh tranh không kém phần khốc liệt.

Thanh toán di động: “Mảnh đất hứa” cho các nhà bán lẻ
Các tập đoàn bán lẻ tại các nước phát triển đang đua nhau tung ra các ứng dụng thanh toán của riêng mình nhằm “chinh phục” thị trường thanh toán qua điện thoại di động. Nguồn: internet
Điều này là dễ hiểu bởi thanh toán qua điện thoại di động có nhiều ưu điểm, vừa giúp giảm chi phí giao dịch lại vừa cải thiện doanh thu và các dịch vụ chăm sóc khách hàng, trong bối cảnh các nhà bán lẻ mỗi năm phải trả hàng trăm tỷ USD phí giao dịch cho các ngân hàng và các công ty phát hành thẻ.

Sức hấp dẫn khó cưỡng...

Thị trường thanh toán qua điện thoại di động - vốn đã có khá đông “người chơi” như các ngân hàng, công ty phát hành thẻ như Visa và MasterCard và các công ty công nghệ như Google và Apple - đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thị trường này giờ đây đang thu hút nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán lẻ vào thời điểm họ đang rất muốn giảm phí giao dịch và tăng lượng khách hàng “ruột.” Tất cả các “người chơi” đều hy vọng ứng dụng của họ sẽ trở thành chuẩn trong lĩnh vực này.

Tại châu Âu, tập đoàn bán lẻ lớn thứ ba thế giới Tesco (Anh) sẽ tung ra ứng dụng “ví điện tử” trong năm nay. Đây là một phần trong kế hoạch của Tesco trong việc cho phép khách hàng sử dụng điện thoại của mình để định vị cửa hàng cũng như quét các sản phẩm để mua hàng. Cách đây một năm, tập đoàn bán lẻ lớn thứ năm châu Âu Auchan (Pháp) cũng đã tung ra ứng dụng “ví điện tử Flash and Pay,” một ứng dụng kết hợp thanh toán với các chương trình ưu đãi khách hàng như thẻ tích điểm.

Nhìn chung, "ví điện tử" là một ứng dụng được cho là “vẹn cả đôi đường”, một mặt cho phép các khách hàng có thể thanh toán dễ dàng qua điện thoại di động, mặt khác nó cung cấp thông tin về thói quen mua sắm của các khách hàng cho các nhà bán lẻ.

Kế hoạch tạo lập ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động được các công ty bán lẻ chấp nhận trên toàn cầu gần đây cũng đã được giới thiệu tại Đức. Yapital do công ty Otto (Đức) sở hữu hiện được sử dụng tại hàng nghìn cửa hàng; hệ thống này cũng cho phép người sử dụng thanh toán trực tuyến.

Tại Mỹ, các tập đoàn bán lẻ hàng đầu như Walmart, Target và Bestbuy đã bắt tay phát triển hệ thống thanh toán qua điện thoại di động gọi là MCX. Hệ thống này sẽ hỗ trợ các giao dịch dựa trên mã vạch, song cho đến nay MCX vẫn chưa được triển khai.

Theo dự báo mới nhất của hãng nghiên cứu thông tin thị trường Gartner, đến năm 2017, thị trường thanh toán qua điện thoại di động toàn cầu sẽ tăng gấp khoảng ba lần, với trị giá các cuộc giao dịch đạt khoảng 721 tỷ USD và số người sử dụng chạm con số trên 450 triệu người.

Vậy điều gì khiến thị trường thanh toán qua điện thoại di động lại hấp dẫn các nhà bán lẻ đến vậy? Đơn giản là sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường này sẽ có lợi cho các công ty bán lẻ, do cuộc cạnh tranh giữa các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán sẽ giúp giảm các khoản phí giao dịch mà các nhà bán lẻ phải trả cho các nhà cung cấp các dịch vụ thanh toán như các ngân hàng và các công ty phát hành thẻ như Visa và Master Card. Theo ước tính của Morgan Stanley, các nhà bán lẻ tại các nước phát triển trong năm 2012 đã phải chi tới 150 tỷ USD cho việc nhận thanh toán bằng thẻ.

Bên cạnh việc giảm được các khoản phí giao dịch khi nhận thanh toán bằng các loại thẻ như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, các nhà bán lẻ có thể cải thiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng và tình hình doanh thu. Các nhà bán lẻ hy vọng sẽ thu hút các khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán của mình bằng việc tung ra các chiêu giảm giá và điểm thưởng. Hệ thống thanh toán của họ sẽ tự động tích điểm vào thẻ tích điểm cho các khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán của họ, đồng thời hệ thống này cũng cung cấp các tính năng hữu ích khác như lưu lại danh sách mua sắm của các khách hàng.

Thông qua hệ thống thanh toán của mình, các nhà bán lẻ có thể dễ dàng nắm bắt được những thông tin về thói quen mua sắm của các khách hàng. Điều này sẽ giúp cho các tập đoàn bán lẻ nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, qua đó đưa ra các điều chỉnh danh mục hàng hóa cũng như chiến lược kinh doanh phù hợp.

Arnaud Crouzet, người đứng đầu bộ phận thanh toán toàn cầu của Auchan, nói: “Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu chi phí và có các giải pháp thay thế khác cho các giải pháp hiện nay... Thật khó hình dung số liệu của các khách hàng của mình lại bị chia sẻ cho bên thứ ba.”

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Anh, các tập đoàn bán lẻ của Anh ước tính tiết kiệm được 463 triệu bảng (770 triệu USD) trong năm 2013 thông qua việc chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt hoặc các loại thẻ tín dụng sang thanh toán qua điện thoại di động.

... Song không dễ chinh phục

Các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng mặc dù nhiều ngân hàng và công ty từ phát hành thẻ đến viễn thông, mà gần đây nhất là các nhà bán lẻ tấn công vào thị trường thanh toán qua điện thoại di động, song hiện vẫn chưa biết chắc được thị trường này sẽ phát triển như thế nào. Bởi trên thực tế, các công ty phát hành thẻ và các ngân hàng vẫn giữ vai trò dẫn đầu trong các giao dịch, thanh toán, mặc dù việc thanh toán bằng thẻ nghe có vẻ lỗi thời.

Thêm nữa, ứng dụng của các công ty bán lẻ cũng không dễ gặt hái thành công ngay được. Mặc dù thanh toán qua điện thoại có ưu điểm tiện lợi, nhanh chóng và giảm thời gian xếp hàng, song các khách hàng có thể vẫn chưa sẵn sàng sử dụng cùng lúc các dịch vụ thanh toán của các siêu thị hay cửa hàng khác nhau. Carrefour, tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai thế giới sau WalMart, cho rằng để thuyết phục được các khách hàng, cần thêm thời gian.

Tuy nhiên, thành công của tập đoàn quản lý chuỗi quán cà phê lớn nhất thế giới Starbucks Corp trong việc kết hợp dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với các hoạt động khuyến mại cho thấy các tập đoàn bán lẻ có thể thành công. Starbucks đưa vào sử dụng các ứng dụng thanh toán qua điện thoại di động và thưởng điểm từ năm 2011. Cho đến nay, hệ thống này của Starbucks đã có 10 triệu người sử dụng. Không dừng ở đó, trong tháng này tập đoàn sẽ tìm cách mở rộng các dịch vụ này ra bên ngoài hệ thống thanh toán riêng của mình.

Chủ tịch Yapital, Nils Winkler, cho rằng trong khoảng 200 sáng kiến được đưa ra hiện nay, chỉ một số có thể trụ được ở châu Âu. Ông tin tưởng các ứng dụng của các công ty bán lẻ có nhiều khả năng thắng thế hơn so với những ứng dụng do các công ty viễn thông và phát hành thẻ tín dụng hay ghi nợ phát triển.

Ông Winkler nhấn mạnh: “Thành công lớn nhất trong lĩnh vực này sẽ dựa vào lĩnh vực bán lẻ. PayPal là ví dụ điển hình. Dịch vụ này đã phát triển mạnh mẽ dựa trên thành công trong lĩnh vực bán lẻ của công ty bán hàng trực tuyến eBay.