Thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, được thanh toán các khoản nợ xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách là một trong những mong muốn nhất của doanh nghiệp trong thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Đặc biệt, các giải pháp và địa chỉ thực thi cũng được quy định khá rõ ràng. Điều này rất quan trọng tại thời điểm doanh nghiệp tính toán, xây dựng kế hoạch kinh doanh cho quý đầu năm 2013.
Có nghĩa là, các giải pháp hiện tại đã khá ổn?
Điều quan trọng nhất hiện nay là phải thực thi ngay các giải pháp này một cách đồng bộ. Việc đã ổn hay chưa, hoặc có cần phải điều chỉnh gì thêm sẽ được làm rõ trong quá trình thực hiện. Có một số việc cần phải được làm rõ ngay.
Một là, về các giải pháp liên quan đến giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, chúng tôi đề nghị các địa phương, bộ, ngành dành nguồn vốn để thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản trước khi triển khai các dự án mới. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng đang “sống dở, chết dở”, với khoản nợ này. Nếu được trả nợ kịp thời, không chỉ doanh nghiệp, mà cả ngân hàng cũng giải toả được một số khoản nợ xấu từ khu vực doanh nghiệp này.
Hai là, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đề nghị Chính phủ có thể xem xét miễn hẳn thuế trong một số trường hợp. Quan điểm của chúng tôi là, ngoài những doanh nghiệp có tiềm năng, nhưng tạm thời thua lỗ, thì những doanh nghiệp đang làm ăn có lãi cũng phải được hỗ trợ để có tích lũy, thực hiện các khoản đầu tư mới thì mới có thể làm “đầu kéo” cho các doanh nghiệp khác.
Ba là, cần làm rõ nguyên tắc sẽ không có phát sinh thêm các khoản chi phí cho doanh nghiệp. Nghĩa là, những chính sách gì liên quan đến tăng giá, phí cần phải xem xét lui lại. Những chính sách có lợi cho doanh nghiệp, như áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 20% cho một số đối tượng có thể xem xét áp dụng sớm…
Trong đề xuất này, doanh nghiệp thực sự mong muốn có sự cải thiện mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong cải cách thủ tục hành chính, trong thái độ, trách nhiệm và sự công tâm của đội ngũ công chức với các hoạt động liên quan đến doanh nghiệp.
Đó là trách nhiệm của Nhà nước, song điều quan trọng khác trong thực thi các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chính là trách nhiệm của doanh nghiệp, thưa ông?
Đúng vậy. Doanh nghiệp phải chủ động tận dụng các cơ hội từ những giải pháp này để tìm ra hướng đi riêng cho mình. Có thể là phải hy sinh cắt lỗ, thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp…, vì đơn giản là, nếu doanh nghiệp chỉ kêu ca, chờ đợi thì hàng tồn, nợ xấu sẽ giết chết thêm nhiều doanh nghiệp.
Rõ thấy nhất là trong các doanh nghiệp bất động sản. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển dịch các sản phẩm của mình vào phân khúc được hỗ trợ, giảm giá để tăng cầu cho hàng hoá của mình. Khi từng phân khúc được tháo gỡ, nó sẽ tạo ra tác động lan toả, nối lại dòng tiền…
Tuy nhiên, cũng phải nhắc tới thực tế là, nhiều doanh nghiệp đang lúng túng tái cơ cấu, vận lộn với cách thức và phương pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình. Không ít doanh nghiệp chưa xây dựng hệ thống quản trị rủi ro, quản trị nhân sự theo hướng chuyên nghiệp hoá…
VCCI đề nghị Chính phủ xem xét để có chương trình hỗ trợ cho hoạt động tái cấu trúc của doanh nghiệp, thông qua mạng lưới hiệp hội, tương tự như chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, để đào tạo, phổ cập các nguyên tắc quản trị cơ bản, xu hướng công nghệ… cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, cần có thêm sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản trị trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng đề nghị doanh nghiệp minh bạch, công khai thông tin để các cơ quan quản lý nhà nước có bức tranh trung thực về hiện trạng doanh nghiệp. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mới có thể sát thực nhất với yêu cầu của doanh nghiệp.