Thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá


Theo Bộ Tài chính, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng. Điều này gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

55% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo lỗ

Bộ Tài chính vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2019 của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng doanh thu, tài sản và vốn đầu tư của chủ sở hữu năm 2019 so với năm 2018 thấp hơn so với các năm trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn duy trì tăng trưởng ổn định.

Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp ngày càng cao vào ngân sách nhà nước cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò quan trọng hơn vào phát triển kinh tế xã hội trong nước.

Năm 2019, số thu về các sắc thuế nội địa (không kể dầu thô) của khu vực doanh nghiệp FDI là 210.234 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2018. Đối chiếu với số nộp ngân sách nhà nước khu vực doanh nghiệp FDI các năm trước cho thấy, tốc độ tăng về số nộp ngân sách nhà nước của khu vực này năm 2019 cao hơn so với hai năm trước liền kề, gần bằng mức tăng của năm 2016 so với năm 2015.

Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vẫn còn một số những tồn tại, hạn chế. Đầu tư nước ngoài tập trung lớn tại các tỉnh của khu vực Đông Nam Bộ và một số tỉnh Đồng bằng sông Hồng) và rất hạn chế tại một số tỉnh miền núi phía Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng) và một số tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk) cho thấy chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của Chính phủ vào địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn chưa phát huy hiệu quả trong việc thu hút các dự án đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng tài sản, sử dụng vốn đầu tư tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhìn chung vẫn còn thấp, chưa phát huy hết tiềm lực của doanh nghiệp; các chỉ tiêu khả năng sinh lời của một số lĩnh vực vẫn còn âm, nộp ngân sách vẫn chưa tương xứng với chưa tương xứng với những ưu đãi được hưởng. Số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có lãi chiếm tỷ lệ ít, mới đạt 45% số doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp có số lỗ lớn và lỗ liên tục trong nhiều năm.

Năm 2019, số lượng doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh báo lỗ là 12.455 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 55% doanh nghiệp có báo cáo, với trị giá lỗ là 131.445 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 là 2.002.328 tỷ đồng, giảm 0,7% so với tổng tài sản của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2018; Doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2019 là 846.894 tỷ đồng, tăng 12,7% so với doanh thu của các doanh nghiệp báo lỗ năm 2018.

Số lượng doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019 là 3.545 doanh nghiệp, chiếm 15,7% trong tổng số doanh nghiệp có báo cáo, tăng 24,2% so với số doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2018, với tổng giá trị vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính là (-) 103.890 tỷ đồng. Trong 3.545 doanh nghiệp lỗ mất vốn năm 2019 có 2.160 doanh nghiệp doanh thu vẫn tăng trưởng.

Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế còn diễn ra ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp luôn báo lỗ, thậm chí lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh thu các năm đều tăng đã gây thất thoát, thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, qua phân tích tình hình tài chính của một số doanh nghiệp lớn trong nhóm ngành "Linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi máy vi tính, thiết bị quang học", "Sản xuất, phân phối, kinh doanh điện", "Sản xuất sắt, thép và kim loại khác" cho thấy hiệu quả và mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước là khác nhau.

Đối với 02 doanh nghiệp lớn trong nhóm ngành "Sản xuất sắt, thép và kim loại khác" (Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và Công ty Cổ phần Thép Posco Yamoto Vina), mặc dù trong hai năm liền tình hình tài chính bị tác động do giá sắt, thép toàn cầu trong xu hướng giảm, tổng doanh thu của 02 doanh nghiệp tăng từ 77.456 tỷ đồng lên 82.741 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng. Đóng góp cho ngân sách nhà nước chưa tương xứng với những ưu đãi (đất đai, thuế...) dành cho những doanh nghiệp lớn này.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá

Để thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động hiệu quả cao và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội.

Đồng thời, cần nghiên cứu và đề xuất phương pháp xây dựng chính sách thu hút trong thời gian tới để phù hợp với quan điểm chỉ đạo "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu" theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá để hoàn thiện, sửa đổi cơ chế phối hợp của các sở, ban, ngành địa phương trong việc cấp phép và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để các cơ quan trung ương, địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả các thông tin liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá.

Cùng với đó là triển khai các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành, sản phẩm; rà soát, thực hiện cơ cấu lại hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên các địa bàn theo nguyên tắc gắn quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo với quy mô của các doanh nghiệp; xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực, trình độ quản lý, kỹ thuật và tay nghề cao.