Tháo điểm nghẽn logistics để đưa nông sản vươn xa


Theo đánh giá của chuyên gia, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp thủy sản tự cung cấp hạ tầng logistics cho sản phẩm của mình, điều này làm gia tăng chi phí cho các doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh nông sản của vùng.

Vấn đề logistics ở ĐBSCL được giải quyết sẽ giúp nông sản tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Mộng Toàn
Vấn đề logistics ở ĐBSCL được giải quyết sẽ giúp nông sản tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Mộng Toàn

Ông Đào Trọng Khoa - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng: “Chúng ta thấy rằng vừa số lượng ít, quy mô doanh nghiệp ở vùng ĐBSCL còn rất hạn chế. Thế thì lý do tại sao chưa có nhiều doanh nghiệp thu hút vào vùng ĐBSCL thì chúng ta có thể thấy những năng lực về vận tải và hạn chế về hạ tầng cũng là điểm nghẽn rất lớn, để cho các doanh nghiệp đầu tư và mở rộng hoạt động của mình ở khu vực ĐBSCL”.

Theo các chuyên gia, logistics là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Nếu giải được bài toán logistics sẽ giúp khắc phục tình trạng thất thoát nông sản sau thu hoạch của vùng từ 30 đến 40%.

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa của nước ta đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Chi phí logistics ở nước ta cao là do phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài, khiến nông sản xuất khẩu dù có nhiều lợi thế nhưng khó cạnh tranh với các nước, đặc biệt là Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, chi phí logistics đang “ăn mòn” lợi nhuận từ nông sản xuất khẩu. Để chủ động hạn chế những rủi ro ngoài ý muốn, nước ta cần quan tâm xây dựng những trung tâm logistics khu vực, có những chuỗi cung ứng dịch vụ thu mua, thu gom đến vận tải, kho lạnh chế biến nhằm chủ động hỗ trợ cho hàng Việt vươn xa.

"Trước khi chất hàng vào container và trong quá trình container đi phải có những biện pháp để bảo quản hàng hóa sao cho tốt, rút ngắn thời gian bảo quản... Hiện nay các vấn đề giá cước vận chuyển dù đã giảm nhưng dịch vụ logistics vẫn còn thiếu và yếu”, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết.

Thế mạnh rất lớn của ĐBSCL là vận tải thủy là điều ai cũng thấy. Tuy nhiên, hiện nay, lượng hàng vận chuyển bằng đường thủy từ ĐBSCL tập kết các cảng ở ĐBSCL và cảng Cái Mép - Thị Vải đối với hàng nông thủy sản còn rất hạn chế, chủ yếu vẫn đi bằng đường bộ. Lý giải điều này, PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam, cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng, họ chọn phương thức đường bộ mặc dù chi phí cao hơn nhưng bù lại thời gian nhanh hơn, ít hơn tới 1/3 thời gian.

Chưa kể đối với vận chuyển hàng lạnh thì vận chuyển bằng đường thủy nội địa giá lại cao hơn so với đường bộ. Xu hướng thế giới hiện nay là vận chuyển xanh, logistics xanh. Các nhà mua hàng thế giới khi họ mua hàng từ các nước khác kể cả Việt Nam, họ sẽ đánh giá tiêu chí xanh rất quan trọng. Nếu họ nhìn vào hồ sơ của chúng ta thấy rằng là hàng vận chuyển bằng đường bộ, tiêu chí xanh về vận tải không được đảm bảo thì sẽ làm cho sức cạnh tranh hàng hóa giảm đi rất nhiều”.

PGS.;TS. Hồ Thị Thu Hòa đề xuất: “ĐBSCL cần chú trọng, tập trung phát triển cơ sở hạ tầng logistics đặc biệt là cơ sở hạ tầng lạnh bao gồm kho, bãi lạnh, phương tiện vận tải lạnh và các điều kiện từ kết nối tới vùng trồng để sản phẩm sau khi thu hoạch có thể đưa vào bảo quản lạnh góp phần nâng cao giá trị của nông sản ĐBSCL nói riêng và nông sản Việt nói chung trên thị trường quốc tế và chúng tôi tin rằng với những chính sách phát triển và chú trọng vào logistics, đặc biệt logistics phục vụ cho hàng nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam trên trường quốc tế”.

Theo Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có 8 trung tâm đầu mối. Trong đó, 1 trung tâm có chức năng tổng hợp ở thành phố Cần Thơ; 4 trung tâm đầu mối cấp vùng ở Bến Tre, An Giang, Kiên Giang và Cà Mau; 3 trung tâm đầu mối liên quan đến logistics ở Đồng Tháp, Hậu Giang và Sóc Trăng. Đặc biệt, Chính phủ rất quan tâm tới việc phát triển kinh tế của ĐBSCL nói chung và của ngành logistics ĐBSCL nói riêng. Minh chứng rõ nhất là hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh với hàng loạt dự án cao tốc đang và sẽ được triển khai.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL, cho biết: Nếu logistics mà được đầu tư hệ thống kho lạnh, kho mát thì năng lực sản xuất từ các nông hộ sẽ mạnh dạn hơn, bởi vì họ được trữ hàng, bảo quản hàng hóa tốt hơn, như vậy năng lực sản xuất sẽ cao hơn. Logistics ở ĐBSCL đây là thời điểm vàng trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Có thể thấy, xuất khẩu nông sản nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế, sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và yêu cầu nâng cao năng lực chuỗi giá trị. Vì vậy, cần sớm chủ động đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản. Tại Hậu Giang đến nay đã có 3 trung tâm dịch vụ logistics đi vào hoạt động. Theo quy hoạch, sẽ hình thành thêm 2 trung tâm logistics. Tất cả 5 trung tâm này kết hợp với các đơn vị logistics vệ tinh được phân bổ đều trên các trục giao thông trọng yếu, gần với các vùng nguyên liệu chuyên canh để nhanh chóng xử lý sau thu hoạch, sơ chế nông sản và vận chuyển đến trung tâm logistics, các nhà máy chế biến, đồng thời vận chuyển các sản phẩm từ nhà máy đến các thị trường trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ. Tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang là tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước, trung tâm sản xuất công nghiệp và logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long…

Ông Đồng Văn Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Tỉnh xác định vai trò của quy hoạch rất quan trọng, khởi nguồn cho sự phát triển, kim chỉ nam để thực hiện các chiến lược, các đề án và các kế hoạch hành động, việc quy hoạch phải đi trước một bước, đầu tư cho công tác quy hoạch là đầu tư cho sự phát triển”.

Theo Mộng Toàn/ Báo Hậu Giang