Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho vay lại nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Vướng mắc về thủ tục cho vay lại được coi là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm. Do vậy, tới đây, cần tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc như: thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại...
Hiện nay, công tác cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công và Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Theo đó, các địa phương vay lại theo tỷ lệ được xác định căn cứ vào khả năng tạo nguồn thu của ngân sách địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm của các địa phương trong quản lý sử dụng vốn vay của Chính phủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị.
Về tình hình cho vay lại 8 tháng đầu năm, chính quyền địa phương đã giải ngân khoảng 247 tỷ đồng, đạt hơn 1,4%; Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải ngân 8.894 tỷ đồng đạt 33,9%% hạn mức giải ngân cho vay lại.
Đối với các hiệp định vay mới, có cấu phần cho vay lại đối với địa phương và doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính về cơ bản thực hiện thủ tục ký hợp đồng cho vay lại kịp thời so với thời hạn hiệu lực của hiệp định, thỏa thuận vay nước ngoài.
Báo cáo về tình hình cho vay lại 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính cho biết, chính quyền địa phương đã giải ngân khoảng 247 tỷ đồng, đạt hơn 1,4%; Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đã giải ngân 8.894 tỷ đồng đạt 33,9%% hạn mức giải ngân cho vay lại. Việc chậm ký hợp đồng cho vay lại do các nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, dự án chưa hoàn thành điều chỉnh chủ trương đầu tư như: Các dự án metro của TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; Dự án vệ tinh quan sát trái đất; Dự án phải điều chỉnh cơ chế tài chính (các dự án đường cao tốc).
Thứ hai, dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn cho dự án nên chưa xác định được giá trị vay lại (các dự án Metro); Dự án điều chỉnh cơ chế tài chính (các dự án đường cao tốc).
Thứ ba, vướng mắc khi thẩm định cho vay lại đối với chính quyền địa phương, chủ yếu do các địa phương không đáp ứng được các điều kiện được vay lại nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ như: Chưa có kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương được giao trong giai đoạn thực hiện; Địa phương có nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài quá hạn trên 180 ngày. Ngoài ra, công tác thẩm định cho vay lại của địa phương kéo dài do phải chờ địa phương bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định theo qui định...
Nhằm giải quyết vướng mắc này, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan cho vay lại, đặc biệt là Ngân hàng Phát triển Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan chủ quản và chủ dự án tháo gỡ các vướng mắc về thẩm định cho vay lại, thẩm định tài sản đảm bảo, ký hợp đồng cho vay lại. Đối với vướng mắc của các dự án cho vay lại qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bộ Tài chính đề xuất tổ chức các buổi làm việc với các bên có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án.
Về phía Bộ Tài chính, trong quá trình đánh giá 01 năm triển khai Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính sẽ đồng thời rà soát và đánh giá việc thực hiện các Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý nợ công, trong đó có Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA và vay nước ngoài của Chính phủ.