Thắt chặt thêm sợi dây kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Vừa qua, tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên liên quan tới Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư (TIFA) giữa hai nước. Đây là diễn biến mới nhất cho thấy, sợi dây liên kết kinh tế giữa Washington và Nay Pyi Taw lại được thắt chặt thêm.

Thắt chặt thêm sợi dây kinh tế
Myanmar và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên liên quan tới Thỏa thuận khung về thương mại và đầu tư (TIFA) giữa hai nước. Nguồn: internet

Các sáng kiến về thương mại và cải cách chính sách của Myanmar, cùng với cơ chế cấp giấy phép nhập khẩu, quyền sở hữu trí tuệ và cơ hội hợp tác song phương Myanmar - Mỹ đã được hai bên đề cập, song song với nội dung mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế giữa Mỹ và ASEAN. Trước đó vào ngày 21/5/2013, chính phủ hai nước đã ký một thỏa thuận khung về đầu tư và thương mại, tạo tiền đề cho các cuộc đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực đó giữa hai nước. Theo thỏa thuận, Ủy ban thương mại và đầu tư đã được thành lập để điều hành và quản lý thương mại và đầu tư song phương, nắm bắt các cơ hội mở rộng đầu tư và thương mại cũng như các vấn đề khác như củng cố luật pháp, nâng cao tính minh bạch, chống tham nhũng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động và môi trường...

Ngoài ra, hồi đầu tháng (6/6), Bộ trưởng Thương mại Mỹ Penny Pritzker đã khai trương văn phòng ngoại thương đầu tiên của Mỹ tại Myanmar nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại hai nước. Văn phòng này có chức năng hỗ trợ các doanh nghiệp Mỹ đầu tư kinh doanh vào một trong những thị trường đang nổi và tăng trưởng nhanh nhất châu Á này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng.

Có thể nói những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ muốn tăng cường hợp tác với Myanmar thời gian qua. Điều đó ngoài việc được thể hiện qua những liên kết sơ bộ giữa quân đội hai nước và các dự án hỗ trợ Myanmar của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) còn là những phát triển vượt bậc trong lĩnh kinh tế khi chính quyền Tổng thống Obama quyết định đình chỉ hầu hết các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar để ghi nhận những cải cách lớn của nước này.

Hiện nay kim ngạch thương mại Mỹ - Myanmar đã gia tăng đáng kể, tăng từ 9,7 triệu USD năm 2010 lên gần 180 triệu USD năm 2013. Theo số liệu chính thức của Myanmar, tính đến tháng 1/2014, đầu tư của Mỹ vào Myanmar đạt 243,5 triệu USD, đứng thứ 13 trong số các quốc gia đầu tư tại đây. Năm 2013, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Myanmar đạt 137,5 triệu USD.

Tuy nhiên, Mỹ cho rằng dù thương mại song phương đã tăng đáng kể nhưng giá trị trao đổi vẫn còn khá nhỏ. Theo Cơ quan Thống kê Myanmar, kim ngạch thương mại hai chiều Myanmar - Mỹ trong tài khóa 2013 - 2014 (kết thúc vào tháng 3/2014) đạt trên 104,44 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Myanmar sang Mỹ chỉ 24,78 triệu USD.

Sở dĩ Mỹ tỏ ra vồn vã và muốn đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Myanmar là nhận ra tiềm năng đầy hứa hẹn của một thành viên ASEAN. Trước hết, về địa lý, Ấn Độ Dương chiếm tới 50% tổng khối lượng vận tải đường biển bằng container và 70% khối lượng chuyển tải sản phẩm dầu mỏ. Ấn Độ Dương cũng là khu vực chịu sự rủi ro đặc biệt cao và là nơi tập trung phần lớn trong số 11 khu vực được coi là huyết mạch giao thông đường biển và là yết hầu kinh tế của nhiều nước. Trong khi đó, Myanmar lại là quốc gia ven biển Ấn Độ Dương, có vị trí thuận lợi cho tàu thuyền qua lại neo đậu để tiếp thêm nhiên liệu và bảo trì kỹ thuật. Thực tế, Myanmar đang nằm giữa 2 cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, án ngữ Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa Đông Nam Á với Tây Á, Trung Đông, châu Âu... Điều đó khiến nhiều nước lớn rất coi trọng gia tăng sự có mặt của họ tại đây, nhất là vì lợi ích kinh tế.

Về tài nguyên, Myanmar có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú bậc nhất Đông Nam Á, từ đất đai, khí đốt, dầu mỏ, khoáng sản đến lâm, nông, thủy sản với trữ lượng lớn và hầu như mới chỉ khai thác. Nước này chiếm vị trí thứ 13 - 14 trên thế giới về trữ lượng khí đốt thiên nhiên và đứng vị trí thứ 78 về trữ lượng dầu mỏ với ước tính khoảng 160 triệu thùng, theo như số liệu nghiên cứu của Viện nghiên cứu và phát triển tài nguyên Myanmar. Chính khí đốt thiên nhiên đã mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho Myanmar với 3,6 tỷ USD thu được nhờ xuất khẩu trong năm tài khóa 2013-2014. Bên cạnh đó, Myanmar còn sở hữu đất đai phì nhiêu với tổng diện tích trồng trọt khoảng 23 triệu ha. Thực tế, nông nghiệp ở đây chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu. Một chi tiết minh chứng cho sức mạnh nông nghiệp nước này là từ cuối thế kỷ XIX, Myanmar từng là vựa lúa của châu Á, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo.

Mặc dù hồi giữa tháng 5, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức gia hạn một số biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Myanmar thêm một năm, tuy nhiên những động thái đã nói ở trên cho thấy, mối quan hệ kinh tế tốt hơn giữa Mỹ và Myanmar sẽ là xu thế không thể cưỡng lại trong tương lai.