Thất nghiệp - Nỗi lo dai dẳng của kinh tế Trung Quốc


Trong tháng 7/2024, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc tăng lên 17,1%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2023.

Thất nghiệp thanh niên tăng mạnh sẽ là hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: CSIS)
Thất nghiệp thanh niên tăng mạnh sẽ là hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc. (Ảnh: CSIS)

Thất nghiệp kỷ lục

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao đối với những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 - những người đang bước qua giai đoạn sinh viên để đi làm. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Việc tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 13,2% vào tháng 6 lên 17,1% vào tháng 7 phản ánh tình trạng nghiêm trọng của thị trường lao động, đặc biệt là đối với nhóm thanh niên mới tốt nghiệp. Trong khi Trung Quốc đang phải vật lộn với việc tạo ra đủ việc làm để đáp ứng lượng lớn sinh viên tốt nghiệp hàng năm, một thuật ngữ mới đã nổi lên trên mạng xã hội nước này để mô tả thế hệ này - những đứa trẻ “đuôi chuột” (rotten-tail kids).

Thuật ngữ “đuôi chuột” ban đầu dùng để ám chỉ các tòa nhà chưa hoàn thiện, là biểu tượng của sự bế tắc trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc kể từ năm 2021. Đối với thanh niên, cụm từ này mô tả một thế hệ bị bỏ lại phía sau, không thể tìm được việc làm ổn định dù đã hoàn thành nhiều năm học tập trong hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt của đất nước tỷ dân.

Trên thực tế, nhiều thanh niên Trung Quốc buộc phải chấp nhận các công việc lương thấp hoặc thậm chí từ bỏ hoàn toàn việc tìm kiếm việc làm. Một số khác phụ thuộc vào trợ cấp từ gia đình, trong khi những người khác đang xem xét lại con đường học vấn của mình để cải thiện triển vọng trong tương lai. Đây là một thực tế đáng buồn cho một thế hệ từng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế.

Nguy cơ cho nền kinh tế Trung Quốc

Tình trạng thất nghiệp thanh niên đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Với hơn 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp vào mùa hè năm nay, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng đã trở thành một biểu hiện rõ ràng của sự trì trệ trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Mặc dù Trung Quốc đã từng đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều thập kỷ qua, nhưng các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy một bức tranh u ám hơn.

Trong quý II năm 2024, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc chỉ đạt mức 3,1%, thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng của chính phủ là 5%. Mức chi tiêu của người tiêu dùng giảm không chỉ là dấu hiệu của sự suy giảm niềm tin mà còn là một thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ cao — hai ngành được chính phủ kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều việc làm cho thanh niên.

Ngoài ra, sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng cũng phản ánh rõ ràng qua các chỉ số khác. Chỉ số niềm tin kinh doanh của Trung Quốc trong năm 2024 giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm trở lại đây, và thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi hoàn toàn từ khủng hoảng năm 2021. Những tòa nhà “đuôi chuột” không chỉ là biểu tượng của các dự án dang dở, mà còn ám chỉ sự thiếu hụt trong việc cung cấp công việc cho lao động trẻ, khiến triển vọng kinh tế ngày càng mờ nhạt.

Thêm vào đó, sự mất cân đối giữa cung và cầu trong thị trường lao động sẽ còn kéo dài đến năm 2037, theo một nghiên cứu gần đây của Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Đại học Trung Quốc. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học dự kiến đạt đỉnh vào năm 2034 với 18 triệu sinh viên, khiến tình trạng thất nghiệp thanh niên có thể trở thành một vấn đề dai dẳng đối với Trung Quốc trong tương lai gần.

Mặc dù Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh việc tạo việc làm cho thanh niên là ưu tiên hàng đầu, nhưng các biện pháp hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người trẻ tuổi. Nhiều thanh niên nước này đang phải điều chỉnh lại kỳ vọng, tìm kiếm các công việc tạm thời hoặc thậm chí từ bỏ con đường sự nghiệp mong muốn.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu chính phủ Trung Quốc không tìm ra giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề thất nghiệp thanh niên và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ suy giảm lâu dài. Điều đó đang phản ánh sự mất niềm tin từ thế hệ trẻ và dần gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia này.

Theo Nam Trần/diendandoanhnghiep.vn