Thay đổi tư duy quản lý các chính sách an sinh xã hội

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Trợ giúp an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững là hai nhiệm vụ cấp thiết trong tình hình đất nước đang trên đà phát triển hiện nay. Hàng loạt chính sách giảm nghèo của các cấp đã tạo cơ hội lớn cho người nghèo vươn lên. Tuy nhiên, để công tác giảm nghèo được bền vững đòi hỏi phải thay đổi đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện những dự án cải cách quản lý nhằm hướng tới một hệ thống an sinh xã hội công bằng hơn. Phóng viên Báo Hải quan đã phỏng vấn ông Đặng Kim Chung, Vụ trưởng, Giám đốc Ban quản lý Dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt nam (SASSP) về vấn đề này.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về hệ thống trợ giúp xã hội của Việt Nam hiện nay?

Thay đổi tư duy quản lý các chính sách an sinh xã hội  - Ảnh 1
Ông Đặng Kim Chung
Ông Đặng Kim Chung: Hiện nay Việt Nam có rất nhiều chính sách trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, đối tượng hưởng chính sách xã hội của nước ta mới chỉ đến được với những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chứ chưa đến được với những đối tượng thuộc Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng là lấy mức sống tối thiểu để xác định trợ giúp xã hội. Tức là vẫn còn nhiều khoảng trống, nhiều nhóm người nghèo có mức sống dưới mức tối thiểu chưa được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước.

Tuy nhiên nhiều chính sách giảm nghèo về bản chất cũng đang đóng vai trò của chính sách trợ giúp xã hội, ví dụ như chính sách hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ học tập cho học sinh thuộc hộ nghèo và học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số.

Có ý kiến cho rằng hiện nay các chính sách an sinh xã hội vẫn đang tồn tại những hạn chế như công tác xác định đối tượng, mức hỗ trợ và độ bao phủ. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thực ra việc xác định các đối tượng chính sách xã hội đến thời điểm này là tương đối tốt. Chỉ có điều công tác quản lý nó chưa hoàn chỉnh. Bởi chúng ta không có một hệ thống thông tin quản lý chuyên nghiệp. Việc quản lý đối tượng thiếu đồng bộ, có những nơi quản lý bằng máy tính, có những nơi quản lý bằng hồ sơ giấy tờ và chưa hề có cơ sở dữ liệu về đối tượng trợ giúp xã hội từ tỉnh đến toàn quốc. Vì thế công tác quản lý còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, việc chi trả trợ giúp cho các đối tượng đang do cán bộ lao động thương binh xã hội và nhiều cán bộ thuộc các ngành khác nhau ở địa phương thực hiện. Họ vừa quản lý đối tượng, vừa xác định đối tượng, vừa chi trả. Điều này không hợp lý. Cần thiết phải tách việc chi trả ra cho một cơ quan độc lập.

Còn diện bao phủ đối tượng thì phụ thuộc vào năng lực của nền kinh tế cho nên chính sách hỗ trợ xã hội của nước ta hiện nay chỉ ưu tiên được những đối tượng rất khó khăn.

Vậy cần phải làm những gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Trước hết phải thay đổi hệ thống quản lý để phù hợp với hoàn cảnh mới. Hệ thống quản lý này có thể đúng trong quá khứ nhưng đến bây giờ đã bộc lộ rất nhiều bất cập cần phải có sự điều chỉnh thay đổi. Theo đó việc quản lý phải được kết nối từ Trung ương đến địa phương, giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với các bộ, ngành  liên quan để chia sẻ thông tin với nhau. Xây dựng mô hình quản lý tốt hơn, vì dân hơn, tạo đồng thuận ở cấp cao từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan quản lý đến đối tượng hưởng lợi.

Đối với cán bộ thực hiện an sinh xã hội cần tăng cường năng lực để thực hiện tốt công việc trong một hệ thống quản lý mới hiện đại hơn. Cần thiết phải tách bạch chức năng quản lý với chức năng chi trả. Người dân phải cùng tham gia giám sát việc quản lý. Đồng thời bản thân họ phải hiểu họ được hưởng những gì, vì sao được hưởng và có những quyền gì.

Dự án tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội có thể khắc phục được những hạn chế này?

Với dự án này, những yếu kém sẽ được khắc phục và cải thiện. Thực chất đây là giai đoạn thử nghiệm, trên cơ sở đó sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đối tượng của dự án là các hộ nghèo, đặc biệt là những hộ nghèo có trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Nhiệm vụ trọng tâm của dự án là từng bước tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội hiện hành thành gói trợ cấp gia đình. Xây dựng và vận hành một hệ thống thông tin quản lý hiện đại trên phạm vi toàn quốc cho các chương trình trợ giúp xã hội bao gồm cả xây dựng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ nghèo và đối tượng trợ giúp xã hội... Những cán bộ địa phương trước đây làm công tác quản lý đối tượng và chi trả thì bây giờ chỉ làm công tác quản lý đối tượng. Việc chi trả sẽ giao hẳn cho bên bưu điện trực tiếp làm. Ngoài ra dự án sẽ phát triển mạng lưới cộng tác viên ở địa phương. Những cộng tác viên này sẽ hỗ trợ việc kết nối giữa đối tượng hưởng lợi và người làm công tác quản lý ở địa phương, hạn chế tối đa việc bỏ sót. Đây sẽ là một bước tiến mới trong quản lý theo nhiều nước tiên tiến trên thế giới để cải thiện toàn bộ bất cập hiện hành.

Dự án sẽ chú trọng vào việc đầu tư vào trẻ em về giáo dục và y tế, bởi đây là con đường tốt nhất để giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo có 2 nhóm, một nhóm là đối tượng có khả năng làm việc thì tạo việc làm cho họ. Còn với nhóm không có khả năng làm việc thì cần phải đầu tư vào trẻ em. Vấn đề là cần tuyên truyền để người nghèo thấy được tự phấn đấu vươn lên và hướng cho họ trách nhiệm để vươn lên thoát nghèo.

Những người làm công tác quản lý nhà nước cần coi việc đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho người nghèo là trách nhiệm của mình vì đó chính là bảo vệ quyền con người. Cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho những hộ cận nghèo, làm tốt công tác truyền thông để các hộ gia đình hiểu được lợi ích của việc đầu tư cho trẻ em và phụ nữ mang thai. Trong tương lai sẽ mở rộng đối tượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 15 là lấy mức sống tối thiểu làm tiêu chuẩn để xác định đối tượng.

Xin cảm ơn ông!