Công nghệ “mở lối” cho minh bạch hàng hóa

Minh Chi

Vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đã trở thành một bài toán nhức nhối, không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Tại Hội thảo gần đây về xác thực truy xuất nguồn gốc do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia tổ chức, ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã chia sẻ một thực tế là, cơ quan chức năng không phải cứ thấy một cái túi nghi là giả thì kết luận là giả và xử phạt luôn, mà phải thực hiện theo các quy trình, quy định chặt chẽ của pháp luật.

Để xử phạt, cơ quan quản lý thị trường sẽ phải mời chủ sở hữu nhãn hiệu đến xác nhận, có thể trong thời hạn 24 tiếng phải có kết luận là giả, nếu không kết luận kịp thì phải trả lại hàng. Nhưng trong thời hạn như vậy mà trong kho có thể lên đến hàng nghìn sản phẩm thì sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, các giải pháp như tem chống giả hay mã vạch vẫn chưa thể giải quyết triệt để vấn đề, thậm chí còn bị làm giả và sao chép trái phép.

Cũng về vấn đề này, ông Bùi Bá Chính - Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, dù Việt Nam đã tham gia vào hệ thống mã vạch toàn cầu GS1 từ năm 1995 và phần lớn sản phẩm trong siêu thị đã được định danh, nhưng đó mới chỉ là định danh theo chủng loại sản phẩm, không phải cho từng đơn vị sản phẩm cụ thể.

Dẫn kinh nghiệm quốc tế, ông Chính cho biết, các nước trên thế giới như Mỹ, Canada, châu Âu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đều được mã hóa định danh trên toàn chuỗi sản xuất và đến khâu xuất khẩu. Nếu Việt Nam có thể kiểm soát và truy xuất nguồn gốc với sự giám sát của toàn dân, đây chính là “hộ chiếu số” cho sản phẩm, hướng đến thị trường quốc tế, đảm bảo mục tiêu xuất khẩu hàng hóa, nâng tầm quốc gia. 

Do vậy, theo các chuyên gia, giải pháp công nghệ toàn diện cần được thực hiện để truy xuất nguồn gốc hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Huy - Trưởng Ban Công nghệ (Hiệp hội Dữ liệu quốc gia), một quy trình đúng cần bắt đầu từ Định danh, sau đó đến Xác thực và cuối cùng mới là Truy xuất.

Theo đó, thay vì sử dụng mã chung cho cả lô hàng, mỗi một sản phẩm, dù là một viên thuốc hay một chiếc áo, sẽ được gắn một mã định danh duy nhất. Mã này có thể dưới dạng QR code thế hệ mới hoặc chip NFC, sẽ là bằng chứng số không thể làm giả, đi theo sản phẩm từ lúc sản xuất, qua từng khâu vận chuyển, phân phối, cho đến tận tay người tiêu dùng và thậm chí cả quá trình tái chế.

Để thực hiện được quy trình trên, ông Nguyễn Huy cho rằng cần một hệ sinh thái công nghệ đa tầng, có thể học hỏi theo các mô hình tiên tiến trên thế giới như IBM Food Trust của Mỹ hay Trace for EU của châu Âu. Trái tim của hệ thống này là công nghệ chuỗi khối (Blockchain), khi đã được ghi lại thì thông tin sẽ không thể bị thay đổi hay giả mạo, đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch tuyệt đối.

Ngoài ra, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (Machine Learning) cũng được ông Huy nêu ra, để đóng vai trò như những người gác cổng thông minh, không thể gian lận.

Nhưng theo các chuyên gia, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại sẽ cần một hạ tầng dữ liệu đủ lớn để vận hành, nên sẽ cần đến vai trò của một trung tâm dữ liệu quốc gia. Đồng thời, công nghệ càng hiện đại thì nhân lực cũng phải đáp ứng đầy đủ và phải giải quyết bài toán về chi phí phát sinh cho doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Linh cũng nhìn nhận, việc phát sinh chi phí sẽ là rào cản nên doanh nghiệp không thực hiện, nếu không áp dụng bắt buộc. Do đó, vấn đề này cần vai trò kiến tạo của Nhà nước trong việc xây dựng hành lang pháp lý, đưa ra các quy định và lộ trình áp dụng cụ thể, đặc biệt với các ngành hàng trọng yếu như dược phẩm, thực phẩm, nông sản.

Có thể thấy, việc phối hợp thực hiện cần nhiều bên, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các chuyên gia công nghệ và doanh nghiệp. Đặc biệt, việc nâng cao ý thức của người tiêu dùng cũng rất quan trọng, để tạo thành yêu cầu bắt buộc cho doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ.