Thấy gì từ vụ bê bối Wirecard?
Wirecard- tập đoàn Fintech của Đức, đang đối mặt với vụ bê bối lớn sau khi hơn 2 tỷ USD “bốc hơi” khỏi bảng cân đối kế toán.
Trước đó, Wirecard cho biết, khoản tiền nói trên được gửi tại 2 ngân hàng Châu Á, và được dự phòng để quản lý rủi ro.
Tuy nhiên, hãng kiểm toán Ernst & Young (EY) cho biết, sau khi kiểm toán doanh nghiệp này, các ngân hàng nói trên đã không thể cung cấp được số tài khoản của Wirecard. Sau đó, Wirecard đã thừa nhận khoản tiền này không còn tồn tại.
Theo kết quả kiểm toán của KPMG, 100% lợi nhuận của doanh nghiệp này được liên kết với các doanh nghiệp thứ ba, gồm: CardSystems Trung Đông, Wirecard UK & Ireland và Wirecard Technologies. Sở dĩ như vậy do Wirecard không có giấy phép hoạt động ở nhiều thị trường, nên phải sử dụng các công ty bên thứ ba này.
Được biết, Wirecard cung cấp cho nhiều loại hình thanh toán và giải pháp quản lý gian lận ở Châu Á- Thái Bình Dương. Wirecard được kết nối với hơn 50 tổ chức tài chính và các chương trình thanh toán địa phương ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Nhìn từ câu chuyện của Wirecard, chuyên gia tài chính Phan Lê Thanh Long cho rằng, trong những năm gần đây, ngân hàng và các tổ chức đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã đầu tư rất nhiều vào Fintech, điều này cho thấy mức độ kỳ vọng của các nhà đầu tư vào sự thay đổi to lớn của ngành tài chính, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính những ngân hàng và người sử dụng.
Cũng theo ông Long, những rủi ro cơ bản của các công ty Fintech bao gồm rủi ro chiến lược, rủi ro hoạt động, rủi ro mạng, rủi ro tuân thủ… Những rủi ro này thường ít được để ý đến, trong khi chúng ta lại có thể dễ dàng nhìn thấy các lợi ích từ Fintech. “Các hệ thống ngân hàng cần xem xét và tập trung vào quản trị rủi ro, kiểm soát chất lượng bằng các định chế tài chính thông qua Fintech, từ đó mới có thể kiểm soát và tránh được “vết xe đổ” từ những rủi ro như kiểu Wirecard”, ông Long nhấn mạnh.