Thế giới di động trước giờ G

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Tháng 7 tới có lẽ là thời điểm của Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động (TGDĐ), khi đã lâu lắm rồi mới có một sự kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đình đám thu hút sự quan tâm của thị trường đến như vậy. Với giá 85.000 đồng/cổ phiếu trong đợt giao dịch chính thức gần nhất của cổ phiếu TGDĐ, hơn 62,7 triệu cổ phiếu của công ty này được định giá hơn 5.331 tỉ đồng - con số không hề nhỏ sau 1 thập kỷ hoạt động với chỉ 3 cửa hàng chuyên bán điện thoại di động ban đầu.

Thế giới di động trước giờ G
Thế Giới Di Ðộng được định giá hơn 5.331 tỉ đồng sau 1 thập kỷ hoạt động. Nguồn: nhipcaudautu.vn

Sự thành công của TGDĐ là kết quả của đầy đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Gia nhập thị trường bán lẻ điện thoại di động từ khá sớm (năm 2004) với thương hiệu Thế Giới Di Động, Công ty đã phát triển ngay đúng giai đoạn tăng trưởng mạnh của mảng thiết bị di động và đưa ra quyết định đúng đắn khi bán 32,5% cổ phần cho Quỹ Đầu tư Mekong Capital vào năm 2007.

Tuy nhiên, không muốn dừng lại khi đang trên đà phát triển thuận lợi, TGDĐ gia nhập thị trường bán lẻ đồ gia dụng và thiết bị điện tử từ cuối năm 2010 với thương hiệu Điện Máy. Sự thành công vượt trội ở mảng điện thoại di động với 24,7% thị phần tính đến thời điểm tháng 1.2014 có lẽ là một cái bóng quá lớn để TGDĐ di động có thể khẳng định mình ở mảng kinh doanh mới này. Vậy với thương hiệu Điện Máy, vị thế và năng lực cạnh tranh của TGDĐ đang ở đâu?

Ra đời khá trễ so với thị trường ở mảng điện tử tiêu dùng, TGDĐ tập trung đánh vào phân khúc thị trường ít đối thủ tại các vùng không thuộc trung tâm. Tính tới thời điểm hiện tại, 13 siêu thị của Điện Máy đã có mặt trên thị trường, chủ yếu tập trung tại các quận xa trung tâm TP.HCM và các tỉnh ở phía Nam. Hiện nay, ở thị trường điện tử tiêu dùng, Nguyễn Kim đang ở vị trí dẫn đầu với 22 trung tâm thương mại ở hầu hết khu vực trung tâm. Sự cách biệt khá lớn cũng khiến Điện Máy của TGDĐ phải dè chừng với những bước đi ban đầu khá thận trọng.

Cũng cần phải nhấn mạnh rằng, cạnh tranh trong ngành bán lẻ rất khốc liệt dẫn đến lợi nhuận biên cực thấp. Muốn kinh doanh có hiệu quả trong ngành này thì gia tăng doanh số bán hàng và quản lý chi phí tốt là 2 điều kiện cốt lõi.

Để tăng doanh số, các doanh nghiệp cần đa dạng hóa mặt hàng tiêu dùng, chi mạnh cho quảng cáo và địa phương hóa qua các hệ thống cửa hàng phân phối. Tuy nhiên, bài toán về chi phí là không đơn giản. Chỉ tính sơ qua cũng có thể hình dung những con số khổng lồ từ khâu nhập hàng đến khâu phân phối bao gồm giá vốn hàng bán, chi phí mặt bằng, kho bãi hạ tầng, xe chuyên chở, bán hàng, quảng cáo, quản lý... Thị trường đã chứng kiến sự phá sản của nhiều chuỗi siêu thị điện máy, điển hình là chuỗi siêu thị HomeOne vào tháng 9.2013 sau 2 năm cầm cự.

Trở lại câu chuyện TGDĐ, có thể thấy rằng hơn 3 năm kinh doanh ở mảng điện tử tiêu dùng là chưa đủ lâu để làm nên tên tuổi của thương hiệu Điện Máy. Vượt qua được những ông lớn trong lĩnh vực này như Siêu thị điện máy Chợ Lớn hay Nguyễn Kim là điều không dễ thực hiện. Sau 18 năm hoạt động, bên cạnh uy tín với người tiêu dùng, Nguyễn Kim cũng đã tạo được mối quan hệ bền vững với các tập đoàn điện tử và công nghệ. Những mối liên kết này mang lại cho Nguyễn Kim lợi thế cạnh tranh như ưu tiên nhập hàng trước, chiết khấu thương mại cao và được gối đầu. Ngoài ra, Nguyễn Kim cũng có lợi thế về hệ thống phân phối trải dài từ Bắc xuống Nam.

Đợt IPO sắp tới của TGDĐ là gộp chung cả 2 mảng Thế Giới Di Động và Điện Máy. Không tách biệt 2 mảng kinh doanh này sẽ giúp cho mảng điện tử tiêu dùng có thể dễ dàng huy động vốn cho cuộc chiến dành thị phần dài hơi phía trước. Mặc dù ông Trần Kinh Doanh, Phó Tổng Giám đốc của TGDĐ từng phát biểu rằng Công ty không có nhu cầu huy động vốn khi niêm yết trên sàn mà chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu thoái vốn của một số cổ đông, nhưng khi Mekong Capital vừa giảm tỉ lệ sở hữu thì một cổ đông khác đã nhanh chóng lấp vào chỗ trống.

Cụ thể, Mekong Capital đã thể hiện rõ động thái thoái vốn tại doanh nghiệp này qua 2 đợt giảm tỉ lệ sở hữu từ 32,5% xuống 25,8% trong tháng 3 và xuống tiếp 14,4% trong tháng 4.2014. Tuy nhiên, ngay lập tức đã có một cổ đông khác là CDH Electric Bee Limited nhảy vào thế chỗ với tỉ lệ nắm giữ 19,88% cổ phiếu TGDĐ.

“Với tiềm năng tăng trưởng được đánh giá cao, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong những năm qua tốt và ổn định, cộng với lợi thế có sẵn về vị thế trên thị trường thì cổ phiếu của TGDĐ với mã niêm yết MWG sẽ luôn là hàng nóng dành cho cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân”, một chuyên gia về chứng khoán (không muốn nêu tên) nhận định.

Không chỉ có vậy, khi ngày niêm yết dự kiến đang đến gần mà thông tin phát hành cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu (thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2013) vẫn chưa được thực hiện, cổ phiếu TGDĐ lại càng trở nên hút hàng hơn bao giờ hết.