Thế giới lo ngại thiếu hụt nguồn cung cà phê bởi dịch bệnh và mất mùa

Thủy Nguyễn

Giá cà phê đang tăng cao ở mức kỷ lục và không có dấu hiệu dừng lại do sản lượng của Brazil bị ảnh hưởng bởi thời tiết và xuất khẩu cà phê Việt Nam gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khan hiếm nguồn cung, giá cà phê neo cao

Giá cà phê đã tiếp tục vững tăng ở mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây. Thị trường cà phê trong nhiều ngày nay được bao phủ sắc xanh trên hai sàn giao dịch thế giới London (Anh) và New York (Mỹ).

Tại thị trường nội địa, giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên giao dịch ở 39.400-40.300 đồng/kg. Tại cảng TP. Hồ Chí Minh, Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% chốt tại 2.102 USD/tấn (FOB), tăng 55 USD/tấn so với giá trung bình trong tháng 8.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021-2022 sẽ giảm 11 triệu bao, tương đương giảm 7% so với năm trước, xuống 164,8 triệu bao. Do sản lượng giảm, tồn kho cà phê cuối niên vụ dự kiến sẽ còn 32 triệu bao, giảm 25% so với niên vụ 2020-2021.

Xuất khẩu hạt cà phê trên thế giới dự kiến là 115,5 triệu bao, giảm 4,1%, do lượng xuất khẩu của Brazil giảm nhiều hơn, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam dự báo có thể tăng.

Tại thị trường nhập khẩu cà phê của Liên minh châu Âu (EU), trong niên vụ 2021-2022, dự báo lượng cà phê còn trong kho dự báo sẽ giảm 2,5 triệu bao xuống 42,5 triệu và chiếm gần 40% nhập khẩu cà phê hạt của toàn thế giới. Dự trữ cuối kỳ dự kiến sẽ giảm từ 16,1 triệu bao xuống còn 14 triệu bao để duy trì mức tăng khiêm tốn trong tiêu thụ.

Hiện Brazil và Việt Nam là 2 quốc gia cung cấp cà phê hàng đầu cho EU, với tỷ lệ thị phần lần lượt là 34% và 24%.

Mỹ là thị trường nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ hai thế giới, với tổng khối lượng dự báo giảm 300.000 bao xuống 24,2 triệu bao. Các nhà cung cấp hàng đầu cho Mỹ bao gồm Brazil (30%), Colombia (21%), Việt Nam (11%) và Nicaragua (5%). Dự trữ cuối kỳ được dự báo sẽ giảm 700.000 bao xuống còn 5,7 triệu bao.

Trên thị trường thế giới, kết thúc tuần 35 (30/8 - 3/9), giá Robusta kỳ hạn tháng 11/2021 lên mức 2.059 USD/tấn, tăng 2,12% trong tuần, thiết lập mức đỉnh giá mới trong 4 năm. Giá Aarabica giao kỳ hạn tháng 12/2021 có mức 193 US cent/lb (1lb = 0,45kg), cũng tăng nhẹ 0,42%.

Giá cà phê trên sàn London vẫn còn xu hướng tăng khi lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi báo cáo xuất khẩu tháng 8/2021 từ Indonesia - nhà sản xuất Robusta lớn thứ ba thế giới chỉ đạt 104.178 bao, giảm tới 70,45% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, suốt 4 tuần liên tiếp, giá cà phê Robusta đã tăng bởi lo ngại dịch COVID-19 bùng phát tại các quốc gia sản xuất Robusta như Việt Nam, khiến xuất khẩu bị đình trệ. Trong khi giá cước vận tải biển đang rất cao nên phần lớn các nhà xuất khẩu không “mặn mà” giao hàng vào lúc này.

Giá cà phê thế giới phụ thuộc Brazil và Việt Nam

Thông tin từ Báo The Guardian (Anh Quốc) cho biết, tình trạng hạn hán kéo dài sau đó là băng giá ở Brazil năm nay (niên vụ 2021-2022) đã ảnh hưởng đến quá trình ra hoa và đậu trái cũng như phát triển của cây cà phê, kéo theo sản lượng cà phê tại nước này đi xuống rõ rệt.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam đi kèm các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội nhằm chống dịch cũng tác động mạnh tới xuất khẩu cà phê.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau khi Việt Nam - nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, thắt chặt biện pháp giãn cách tại các cảng biển của TP. Hồ Chí Minh, cũng như đưa ra một số hạn chế ở vùng trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam đã kêu gọi chính phủ nới lỏng các hạn chế sau khi các thương nhân gặp khó khăn trong việc vận chuyển hạt cà phê đến các cảng để xuất khẩu trong bối cảnh các hạn chế. Đáp lại lời kêu gọi này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đề nghị các tỉnh phía Nam giảm bớt các rào cản hành chính không cần thiết, để đảm bảo vận chuyển thông suốt các mặt hàng nông nghiệp, chẳng hạn như cà phê và gạo.

Theo The Guardian, Việt Nam là quốc gia sản xuất Robusta lớn trên thế giới trong khi Brazil xuất khẩu chủ yếu cà phê hạt (Aarabica cao cấp) và với một số loại Robusta. Ông Ibi Idoniboye - một nhà phân tích thị trường cấp cao của Trung tâm Phân tích giá thực phẩm toàn cầu Mintec, cho biết, giá Aarabica và Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm nay. Nhưng mức tăng vẫn chưa phải là đỉnh. Trong vài tháng nữa, người tiêu dùng sẽ cảm nhận được sự tăng giá khủng một tách cà phê, vì hầu hết các nhà cung cấp đều có hợp đồng với thời hạn sáu tháng.

“Giá cà phê chỉ thực sự ổn định khi thu hoạch cà phê của Brazil được mùa và Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, xoá bỏ giãn cách xã hội để tập trung sản xuất”, chuyên gia này nhận định.