Thế giới năm 2017: Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

Một trong những khái niệm mới xuất hiện trong năm 2017 là “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là sự mở rộng từ “Chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” được triển khai mạnh mẽ dưới thời kỳ người tiền nhiệm Barack Obama.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sự mở rộng của Tổng thống D.Trump

Không lâu sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump tuyên bố chấm dứt chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương mà cựu Tổng thống Obama đã xây dựng. Điều này khiến thế giới nghi ngờ, vậy chiến lược châu Á - Thái Bình Dương của Chính quyền Tổng thống Trump là gì? Bí mật này cuối cùng đã được tiết lộ trong chuyến công du Đông Á của ông chủ Nhà Trắng - từ “chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương” sang “chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Ngày 5/11, Tổng thống Trump bay đến căn cứ quân sự Yokota ở Tokyo (Nhật Bản), tiếp đó ông đã có bài phát biểu với gần 2.000 sĩ quan, binh lính Mỹ đóng quân ở Nhật Bản và một số sĩ quan của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tại đây, ông đã lần đầu tiên trình bày ý tưởng chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của ông với bên ngoài khi nhấn mạnh Mỹ sẽ hợp tác với các bạn bè và đồng minh, tìm kiếm một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Quan điểm này đã được nhấn mạnh trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe một ngày sau đó tại Tokyo.

Ý tưởng chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump có hai trụ cột chính. Một là tăng cường vị trí chiến lược của Ấn Độ. Từ đầu tháng 6, Mỹ đã tích cực “lôi kéo” Ấn Độ, nhiều lần nhấn mạnh rằng Mỹ và Ấn Độ là “đồng minh tự nhiên” cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, Ngoại trưởng Rex Tillerson công khai nói rằng, mối quan tâm an ninh của Ấn Độ cũng là mối quan tâm an ninh của Mỹ, thúc đẩy thiết lập cơ chế đối thoại “2+2” tương đương với cấp bậc của đồng minh truyền thống, hối thúc Ấn Độ thực hiện “giấc mơ nước lớn” ở khu vực và trên thế giới, khuyến khích Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở Afghanistan, ủng hộ Ấn Độ trở thành Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thậm chí trực tiếp vũ trang cho Ấn Độ như bán máy bay không người lái, máy bay chiến đấu và công nghệ tàu sân bay để tăng cường sức mạnh quân sự của Ấn Độ.

Hai là thúc đẩy thành lập liên minh 4 nước Mỹ - Nhật Bản - Australia - Ấn Độ. Trước ý tưởng liên minh 4 nước do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề xuất, Mỹ đã tích cực hưởng ứng, phối hợp trong các lĩnh vực có liên quan như tập trận chung, hợp tác an ninh, dốc sức xây dựng cấu trúc an ninh khu vực lấy Nhật Bản là điểm tựa ở phía Đông, Ấn Độ ở phía Tây, Australia ở phía Nam, do Mỹ giữ vai trò chủ đạo.

Một khi cấu trúc an ninh khu vực này được hình thành, sáng kiến “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc thúc đẩy và chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ sẽ hình thành sự cạnh tranh lẫn nhau, cuộc đọ sức chiến lược trên biển - đất liền truyền thống sẽ được mở ra ở ngã tư đường của châu Á - châu Đại Dương - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

So với “xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương”,  “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là khái niệm không gian địa lý của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này chiếm gần một nửa dân số thế giới bao gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á đầy năng động, cùng với Trung Đông và châu Phi có tài nguyên phong phú, còn bao gồm các tuyến đường yết hầu quan trọng của kinh tế thương mại toàn cầu.

Về địa chính trị, chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là một hệ thống coi Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là một vòng cung chiến lược. Theo quan niệm truyền thống, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương độc lập với nhau, nhưng sự phát triển mới của tình hình khu vực bắt đầu tạo ra một góc nhìn chiến lược coi Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là tổng thể.

Hiện nay, khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã trở thành động lực phát triển kinh tế thế giới và nơi sản xuất hàng tiêu dùng toàn cầu. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, Ấn Độ trỗi dậy trở thành một trong những cường quốc mới nổi, ảnh hưởng nhanh chóng vượt ra ngoài Nam Á. Ấn Độ Dương đang trở thành hành lang thương mại có ý nghĩa chiến lược nhất và nhộn nhịp nhất thế giới với 1/3 nguyên liệu thô và 2/3 dầu mỏ của thế giới phải đi qua khu vực này.

Những người chơi chính

Trong vòng cung chiến lược của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Ấn Độ và Nhật Bản là hai điểm tựa then chốt. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia tích cực ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ. Nhật Bản là quốc gia châu Á nhạy cảm nhất đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng tích cực nhất trong thế trận bao vây ngăn chặn Trung Quốc.

Tháng 8/2007, trong chuyến thăm đầu tiên với cương vị Thủ tướng đến Ấn Độ, bài phát biểu với tiêu đề “Kết nối hai đại dương” tại Quốc hội Ấn Độ của Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đang được coi là sự liên kết đầy năng động của vùng biển tự do và phồn vinh, một “châu Á mở rộng” phá vỡ biên giới địa lý bắt đầu hình thành. Chính quyền của Thủ tướng Abe còn đưa ra sáng kiến “Bộ Tứ” gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia nhưng sau đó bị gác lại.

“Người chơi” thứ hai là Ấn Độ. New Delhi luôn tự coi họ là chủ nhân của Ấn Độ Dương, vui mừng thấy đưa khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” vào khuôn khổ địa chính trị mở rộng. Tháng 12/2012, Thủ tướng Ấn Độ Singh đã phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - ASEAN: “Một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” ổn định, an ninh, phồn vinh rất quan trọng đối với sự phát triển và phồn vinh của chúng tôi”.

Thủ tướng Narendra Modi thuộc Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) lên cầm quyền năm 2014 có mục tiêu là xây dựng một Ấn Độ hùng mạnh, tự chủ và tự tin. Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” được ông nêu rõ khi nhậm chức chủ yếu là tăng cường quan hệ đối tác thiết thực với Mỹ, Nhật Bản, Australia và những nước thuộc ASEAN, thực hiện hành động từ “Hướng Đông” thành “Hành động hướng Đông”. Do đó, Modi ra sức tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Australia.

Thêm vào đó, Ấn Độ vẫn là bạn tốt truyền thống của Nga, về quân sự cũng có sự hợp tác sâu rộng. Gần đây, Ấn Độ đã để cho đoàn đại biểu hải quân Mỹ tham quan tàu sân bay Vikramaditya do Nga chế tạo và tàu ngầm hạt nhân INS Chakra thuê của Nga. Hợp tác quân sự trong thời gian dài giữa Nga và Ấn Độ cũng có thể ảnh hưởng đến việc Ấn Độ gia nhập hàng ngũ của Mỹ.

Ngoài ra, Australia, Indonesia và Singapore cũng là những quốc gia ủng hộ khái niệm chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Đàm phán 2+2 giữa Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng Australia và Mỹ vào tháng 6/2017 đã nêu rõ tăng cường quan hệ đồng minh để thực hiện chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Tổng thống Donald Trump.

Điểm cốt lõi trong chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump là bảo toàn sức mạnh của Mỹ và đầu tư vào các khả năng sẽ cho phép Mỹ giữ được ảnh hưởng chiến lược trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn và năng động.