Thế giới tuần qua: Nóng quan hệ Mỹ - Triều Tiên, kế hoạch Brexit
Tình hình thế giới thay đổi từng ngày và biến động từng giờ, có thể điểm lại một số sự kiện chính trị quan trọng trong tuần qua:
1. Trao đổi về việc đàm phán với Triều Tiên, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng hôm 13/12 khẳng định: "Sau vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên, rõ ràng bây giờ chưa phải lúc".
Mặc dù trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson đã phát biểu tại một diễn đàn ở Washington: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán bất cứ khi nào Triều Tiên sẵn sàng và chúng tôi cũng sẵn sàng cho một cuộc hội đàm ban đầu không kèm bất cứ điều kiện tiên quyết nào”.
2. Ngày 13/12, chính phủ Thủ tướng Anh Theresa May đã chịu một đòn giáng mạnh sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu quan trọng tại Quốc hội nước này liên quan đến kế hoạch Brexit .
Với tỷ lệ 309 phiếu thuận và 305 phiếu chống, Quốc hội Anh đã nhất trí ủng hộ một nội dung sửa đổi Dự luật Brexit của chính phủ, theo đó yêu cầu bao hàm cả một sự đảm bảo pháp lý để các nghị sĩ được quyền bỏ phiếu đối với bất cứ thỏa thuận cuối cùng nào giữa Anh và EU.
3. Donald Trump Jr., con trai cả Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/12 đã ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ.
Theo Reuters, phiên điều trần này có liên quan đến cuộc điều tra của ban Tình báo Thượng viện Mỹ về khả năng Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 theo hướng có lợi cho ông Trump và liệu Tổng thống Mỹ có liên quan đến việc này hay không.
4. Dự định bãi bỏ tính tính trung lập của Internet có thể được chính phủ Mỹ thực hiện bắt đầu từ ngày 14/12.
"Net neutrality" (tính trung lập của Internet) là một nguyên tắc cho rằng mọi loại dữ liệu trên mạng Internet đều có tính chất bình đẳng như nhau.Do đó, các nhà cung cấp mạng không có quyền ưu tiên bất cứ loại dữ liệu thuộc bất kỳ công ty, tập đoàn nào, cũng như tính phí phát sinh khi người dùng truy cập các trang web nhất định.
Nếu như việc bãi bỏ quy định về Net Neutrality được thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ có quyền chặn các ứng dụng, website mà họ không thích hoặc yêu cầu người dùng trả thêm phí nếu muốn truy cập các dịch vụ này. Khi đó, người dùng có thể phải trả thêm tiền để được truy cập các trang web như Google, Reddit, Facebook, Wikipedia, Netflix…
5. Facebook tuyên bố Nga chỉ chi 1 USD để “quảng cáo” trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về Brexit (đưa nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu). Trước đó, Quốc hội Anh đã đề nghị Facebook cung cấp các thông tin về khả năng Nga can thiệp vào cuộc trưng cầu dân ý này.
6. Nhóm nhà lãnh đạo của các nước Hồi giáo ngày 13/12 ra tuyên bố chung "công nhận nhà nước Palestine và Đông Jerusalem là thủ đô Palestine", kêu gọi tất cả các nước làm điều tương tự, động thái đáp trả lại việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô Israel.
7. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres ngày 14/12 đã thảo luận cách thức đối phó với những mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bất chấp những Nghị quyết trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ. Trước đó, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-15 vào hôm 29/11.
8. Giới hữu trách Trung Quốc đã xây dựng một kho dữ liệu gồm thông tin sinh trắc học như ảnh quét tròng đen, dấu vân tay, nhóm máu của tất cả những người từ 12 đến 65 tuổi ở khu tự trị Tân Cương. Bên cạnh đó, cảnh sát Tân Cương đã mua các thiết bị xâu chuỗi ADN từ công ty Thermo Fisher Scientific của Mỹ.
Người dân được thuyết phục rằng đây là một chương trình theo dõi sức khỏe tuy nhiên họ vẫn tỏ ra khá hoang mang khi chưa biết mục đích thực sự của chính phủ Trung Quốc là gì. Tân Cương lâu nay vẫn bị xem là “vùng đất dữ” của Trung Quốc, với nhiều vụ khủng bố, tấn công bạo lực liên quan đến những phần tử ly khai.