Những thiên đường thuế
Trong thời gian gần đây, chuyển động thuế tại nhiều nước trên thế giới trở nên sôi động và nhiều khi gay gắt. Ở châu Âu, theo sau Google bị phạt thuế đến lượt Amazon và ở Mỹ, Apple lên kế hoạch chuyển văn phòng đại diện ở Ireland đến Jersey để tránh nộp hàng tỉ đô la tiền thuế. Ở nhiều nước, thuế kinh doanh mạng được đặt vào tầm ngắm và một số quốc gia đã công bố biện pháp chế tài cả với những công ty hoạt động tại đó nhưng đặt văn phòng đại diện ở nước khác.
Một sự kiện hết sức chấn động đã diễn ra vào đầu tháng 11 khi châu Âu, lần đầu tiên, công bố danh sách những thiên đường thuế và kèm theo đó là danh sách những nước bị theo dõi thuế. Danh sách này được công bố tại
Liên minh châu Âu (EU) gọi các thiên đường thuế này là những nước “không hợp tác pháp lý về vấn đề thuế” (non-cooperative jurisdictions for tax purposes), gồm American Samoa, Bahrain, Barbados, Grenada, Guam, Hàn Quốc, Ma Cao, The Marshall Islands, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad và Tobago, Tunisia, và United Arab Emirates. Ngoài danh sách đi kèm theo dõi 47 quốc gia và vùng lãnh thổ còn có danh sách xám ghi tên những lãnh thổ trốn thuế có mối liên hệ với Anh gồm Hồng Kông, Jersey, Bermuda, Cayman Islands, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Để thiết lập danh sách gọi là “không hợp tác pháp lý” này, châu Âu đã dựa trên những chỉ số về sự minh bạch của chế độ thuế, về suất thuế và xem coi hệ thống có khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận đến những nơi có chế độ thuế thấp để hưởng lợi và né tránh trách nhiệm đối với các nước khác.
Đặc biệt chú ý đến những quốc gia hay lãnh thổ có mức thuế doanh nghiệp ưu đãi 0% cho các công ty nước ngoài. Tim Harford trên bbc.co.uk cho biết trong nhiều trường hợp là những ý đồ về mặt chính trị, với việc thiết lập mức thuế thấp như một cách để thu hút các công ty nước ngoài đến đặt văn phòng, khuếch trương nền kinh tế tại chỗ. Vì thế từ lâu vấn đề thiên đường thuế bị bỏ ngõ.
Sự việc không thể làm ngơ sau khi các Hồ sơ Panama (Panama Papers) và Hồ sơ thiên đường thuế (Paradise Papers) bị tiết lộ, và nay thì các chính phủ và đặc biệt châu Âu phải công khai biện pháp chế tài của mình bằng cách công bố những danh sách nói trên. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng châu Âu đã bỏ sót nhiều thiên đường thuế.
Đáp lại, Ủy viên phụ trách thuế của EU, ông Pierre Moscovici, cho rằng “đây đã là một bước tiến triển quan trọng. Bởi đây là danh sách đầu tiên của EU, nó vẫn chưa đầy đủ với mức độ trốn thuế toàn cầu”. Các thành viên EU được cho quyền quyết định trong việc đối phó với những kẻ vi phạm, bao gồm cả áp đặt mức thuê trên những giao dịch với những thiên đường thuế và cả việc ban hành lệnh cấm vận tài chính.
Hồ sơ Panama gồm 11,5 triệu tài liệu liên quan đến những công ty bí mật nhất trên khắp thế giới, được lưu trữ hàng chục năm nay tại văn phòng một công ty luật nước này có tên là Mossack Fonseca, và được chuyển cho tờ báo Sueddeutsche Zeitung, từ đây nó được chuyển đến Tập đoàn quốc tế các phóng viên điều tra.
Cuộc điều tra lớn lao sau đó được thực hiện bởi 107 tổ chức thông tấn trong đó có BBC Panorama và tờ Guardian tại 76 quốc gia có tên trong hồ sơ. Bộ hồ sơ này cho thấy bằng cách nào công ty hỗ trợ khách hàng rửa tiền, tránh né sự trừng phạt, và trốn thuế. Mossack Fonseca nói rằng họ đã làm việc này suốt 40 năm rồi và không ai tố cáo hay bắt tội họ cả.
Việc EU công bố danh sách thiên đường thuế và danh sách theo dõi đang gây ra những sự phản ứng tại một số nước, thí dụ như Luxembourg và Malta phản đối việc trừng phạt nghiêm khắc. Nhưng vị Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis quả quyết: “Biện pháp mạnh tay hơn cũng có thể được tính đến”. EU khuyến khích các thành viên nên mạnh tay với các nước không chịu cải cách thuế. Cùng lúc này tổ chức từ thiện Oxfam đặt căn cứ tại Anh cũng đưa ra một danh sách gồm 35 nước và than phiền rằng những thiên đường thuế khét tiếng như Bermuda, Cayman Islands, Jersey và Virgin Islands đã không được EU đưa vào danh sách.
Người ta không biết đích xác có bao nhiêu tiền trốn thuế, bao nhiêu đồng tiền buôn lậu, tham nhũng được rửa. Nhưng chỉ riêng một Hồ sơ Panama vốn liên quan đến doanh nghiệp và quan chức tại 76 quốc gia đã cho thấy mức độ quan trọng của các thiên đường thuế. Cho đến nay người ta vẫn còn tranh cãi về cái gì là thiên đường thuế và thực sự đang có hai luồng suy luận, một là né tránh thuế là việc làm hợp pháp và hai là trốn thuế là bất hợp pháp.
Một cuộc tranh cãi khác là bảo vệ bí mật ngân hàng không cho phép thực hiện những cuộc kiểm tra liên quan đến trốn, tránh thuế hay rửa tiền. Và nhiều nước trở thành thiên đường thuế vì họ coi việc giảm nhẹ thuế có thể thu hút các nguồn đầu tư và tạo thêm công ăn việc làm cho người bản xứ.