Thêm động lực để Lâm Đồng “cất cánh”
(Tài chính) Nằm trong vùng Tây Nguyên gắn với địa bàn kinh tế trọng điểm Nam Bộ, Lâm Đồng đã và đang phát huy tốt nhiều yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư. Để hiểu rõ thêm về tiềm năng phát triển và cơ hội đầu tư của Lâm Đồng, Tài chính & Đầu tư đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Lâm Đồng được thiên nhiên ưu đãi: khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ; có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế mà tỉnh có lợi thế so sánh như dịch vụ du lịch, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao… Trên cơ sở khai thác và phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh vốn có, từ lâu Lâm Đồng đã thiết lập được mối quan hệ bền chặt với các tỉnh trong vùng; cùng sự vào cuộc của cả hệ t
hống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lâm Ðồng luôn duy trì được tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trong 03 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP của Lâm Đồng luôn ở mức gần 14% mỗi năm. Đặc biệt, trong năm 2014, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các chỉ tiêu tăng trưởng của tỉnh vẫn tiếp tục được duy trì ở mức cao: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 14%; trong đó: lĩnh vực nông lâm thuỷ sản tăng 7,8%; công nghiệp - xây dựng tăng 20,8%; dịch vụ tăng 17,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 44,8 triệu đồng; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý: ngành nông lâm thủy 38,5%, ngành công nghiệp xây dựng 26,2%, ngành dịch vụ 35,3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 450 triệu USD, tăng 63% so với năm 2013. Thu hút khách du lịch 4,8 triệu lượt khách; Tổng mức đầu tư xã hội năm 2014 ước đạt 18.500 tỷ đồng tăng 20% so với năm 2013; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2013.
Bên cạnh những điểm sáng về phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội trong Tỉnh cũng có nhiều tiến bộ. Đến năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn Tỉnh còn dưới 3%; trong đó: tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc còn dưới 8%. Giải quyết việc làm cho khoảng 29.000 lao động; Chương trình xây dựng nông thôn mới nhận được đồng thuận, hưởng ứng tích cực của toàn thể nhân dân, đến nay có 15 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Các chương trình, sự kiện thuộc Năm Du lịch Quốc gia 2014 – Tây Nguyên – Đà Lạt được tổ chức thành công theo kế hoạch đã đề ra
Để giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, trong thời gian qua Lâm Đồng đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Giải pháp mà chúng tôi đặc biệt quan tâm thời gian qua đó là:
- Thực hiện tái cơ cấu kinh tế tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế tỉnh nhà. Khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung thực hiện các giải pháp về chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế, đất đai... để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có trọng điểm, có hiệu quả, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Tỉnh.
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN khi đến giao dịch tại các cơ quan đơn vị. Tiến hành rà soát các thủ tục hành chính, giảm bớt những thủ tục hàng chính rườm rà không cần thiết. Điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư; tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng và minh bạch đối với các nhà đầu tư...
- Huy động các nguồn lực trong và nước cho đầu tư phát triển kinh tế. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông
thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ; Nâng cao hiệu quả việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư; Ưu tiên đầu tư cho các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, các dự án phát triển nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Chúng tôi luôn mời gọi và trân trọng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng bằng các chính sách cởi mở, đồng hành, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhà đầu tư, doanh nghiệp ổn định và cùng phát triển”.Ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm. Triển khai thực hiện tốt đề án hỗ trợ huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo; phấn đấu giảm dần khoảng cách về thu nhập và đời sống giữa các vùng, tập trung ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm; khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội đã ban hành, nhất là chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Huy động các thành phần kinh tế và người dân xẽ chia cộng đồng trách nhiệm đối với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội; sử dụng có hiệu quả các quỹ từ thiện.
Mục tiêu đến năm 2020, Lâm Đồng trở thành Tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên với ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng cao. Vậy thưa ông, đến thời điểm này, Lâm Đồng đã chuẩn bị những gì để thực hiện thành công mục tiêu này?
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2020, xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên, có ngành dịch vụ phát triển cao trong cơ cấu kinh tế; có hệ thống kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, theo hướng hiện đại; phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân các dân tộc; quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Để thực hiện thành công mục tiêu trên, chúng tôi đã và đang tập trung lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện các giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, chú trọng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cũng như các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy hoạch nếu không có tính khả thi.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc cho DN, nhà đầu tư nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và minh bạch.
Thứ ba, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ với trọng tâm là đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, xúc tiến mở thêm đường bay nội địa và quốc tế đến Đà Lạt - Lâm Đồng. Xây dựng và cải thiện chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư để thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản...
Thứ tư, chủ động hội nhập quốc tế và hợp tác liên kết với các tỉnh/thành trong cả nước và các tổ chức quốc tế. Chú trọng phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và xây dựng một số thương hiệu mạnh cho các sản phẩm có lợi thế. Tập trung đầu tư và thu hút đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ - du lịch của Lâm Đồng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường các hoạt động đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động. Khuyến khích phát triển các hình thức đào tạo trực tiếp tại các DN, đào tạo theo đơn đặt hàng của nhà đầu tư và các trung tâm giới thiệu việc làm.
Với tư cách là lãnh đạo Tỉnh, ông có thông điệp gì gửi tới với du khách, doanh nghiệp và các nhà đầu tư?
Chúng tôi luôn trân trọng đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Lâm Đồng bằng các chính sách cởi mở, đồng hành; sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện nhà đầu tư, doanh nghiệp ổn định và cùng phát triển. Bởi chúng tôi luôn coi các nhà đầu tư, DN là lực đẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương - Lâm Đồng.
Xin cảm ơn ông!
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 12-2014