Thêm giải pháp tạo thuận lợi thông quan hàng hóa
Triển khai hệ thống mở hơn, thông minh hơn; ứng dụng công nghệ hiện đại phân luồng hàng hóa và nghiên cứu xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành là những giải pháp mà ngành hải quan đã, đang và sẽ triển khai, nhằm quản lý, kiểm tra chuyên ngành tập trung, hướng tới giảm ách tắc và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thông quan hàng hóa...
Ứng dụng công nghệ trong quản lý rủi ro
Trong những năm qua, bằng việc áp dụng quản lý rủi ro kết hợp với chuyển đổi từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", ngành Hải quan đã tạo ra sự thay đổi căn bản trong phương thức quản lý hải quan, từ thủ công sang tự động hóa dựa trên đánh giá rủi ro, làm giảm đáng kể tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tờ khai phải quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 30% năm 2015, đến nay, xuống còn 19%.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là cần thiết và phù hợp với yêu cầu cải cách, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Thời gian qua, bằng sự nỗ lực của các bộ, ngành, công tác quản lý chuyên ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như cải cách thủ tục, chính sách chuyên ngành, cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành theo hướng trọng tâm trọng điểm hơn, từng bước thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý chuyên ngành.
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, đến nay, 100% thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện tự động trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, số lượng doanh nghiệp tham gia trên 99%, thời gian thông quan luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây. Tính đến hết quý I/2022, hệ thống đang theo dõi, đánh giá hơn 182.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bảo đảm thông suốt phân luồng gần 100 triệu tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu.
Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng có nhiều chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng các yêu cầu nghiệp vụ về quản lý rủi ro, trong đó, yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục phối hợp, nghiên cứu để xác định những khâu nghiệp vụ có ứng dụng quản lý rủi ro, hướng tới xây dựng các chức năng phần mềm trên hệ thống mới.
Trong đó, đáng lưu ý là việc đưa vào ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến như sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động đánh giá, lựa chọn phân luồng kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, hành khách xuất nhập cảnh thông qua hệ thống nhận biết và các thuật toán xử lý dữ liệu lớn. Đồng thời, nhận diện phương tiện vận tải, container trọng điểm cần kiểm tra thông qua kết nối camera nhận dạng biển số với hệ thống quản lý rủi ro; tự động khuyến nghị danh sách các tờ khai có dấu hiệu rủi ro về trị giá hải quan, phân loại hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Cần có Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành
Khẳng định việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành là cần thiết và phù hợp với yêu cầu cải cách, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường khẳng định, thời gian qua, bằng sự nỗ lực của các bộ, ngành, công tác quản lý chuyên ngành đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như cải cách thủ tục, chính sách chuyên ngành, cắt giảm danh mục kiểm tra chuyên ngành theo hướng trọng tâm, trọng điểm hơn, từng bước thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại hạn chế, khó khăn nhất định, tập trung chủ yếu vào các vấn đề như thực hiện kiểm tra hải quan theo yêu cầu quản lý chuyên ngành; nội dung, phương thức kiểm tra, hiệu quả kiểm tra; thông tin, dữ liệu phân tán, chưa thống nhất, đồng bộ, chưa kịp thời cung cấp, chia sẻ đến các bên có liên quan; chưa có cơ quan đầu mối chủ trì, quản lý chung những nội dung liên quan đến quản lý rủi ro trong quản lý chuyên ngành, kiểm tra chuyên ngành.
Có ý kiến cho rằng, mặc dù đã có nỗ lực nhưng những thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành vẫn cần được tiếp tục cải thiện để tạo thuận lợi thương mại theo yêu cầu của Chính phủ. Mặt khác, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành và các quy định liên quan theo hướng giảm kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro. Chính phủ cũng đã đặt những mục tiêu về việc phối hợp của các cơ quan liên quan trong xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro, để quản lý thông quan trên toàn quốc một cách thống nhất.
Đồng tình với việc xây dựng Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung, TS. Nguyễn Thế Hải - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử (Bộ Công an) nhấn mạnh, thực chất công tác quản lý rủi ro là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến kiểm tra chất lượng. Cơ chế kiểm tra, giám sát là cần thiết, bởi có kiểm tra mới tránh được những rủi ro về quản lý, cũng ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa trước khi đưa ra thị trường.
Hiện nay, mỗi cơ quan, bộ, ban, ngành khó có thể thành lập tổ chức để thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Chính vì vậy, việc xây dựng Trung tâm Quản lý rủi ro liên ngành tập trung là cần thiết để chia sẻ, cung cấp thông tin giữa các bộ, ngành. Đơn cử như Bộ Công an chỉ có 3 cán bộ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, mới chỉ thực hiện quản lý trên hồ sơ, khó khăn trong việc kiểm tra thực tế, hậu kiểm.
Dựa trên thực tế hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành chưa được áp dụng quản lý rủi ro. Chính vì vậy, VASEP đánh giá cao ý tưởng về việc xây dựng mô hình Trung tâm quản lý rủi ro liên ngành tập trung do Tổng cục Hải quan đưa ra.