Thêm nỗi lo trước sự tràn lan thuốc lá thệ hệ mới
Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập thị trường trong nước qua đường xách tay, buôn lậu ngày càng tăng cao. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức cảnh báo, đây là mối đe doạ đến các chiến lược kiểm soát thuốc lá của quốc gia và nỗ lực của Công ước Khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) trên toàn cầu.
Cầu tiềm năng, cung đa dạng
Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Cùng với đó, chi phí y tế liên quan tới tác hại của khói thuốc lá hàng năm không hề nhỏ.
4 năm trở lại đây, thị trường chợ đen "đón nhận" tân binh siêu lợi nhuận là các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới nhập lậu, chủ yếu là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng (hay còn gọi là thuốc lá nung nóng, thuốc lá không khói).
Số liệu thống kê từ Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 820 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… và xử lý trên 560 vụ. Trong tình hình dịch bệnh, buôn lậu các loại thuốc lá vẫn gia tăng và hình thức hết sức tinh vi.
Buôn lậu tăng cao đồng nghĩa với nhu cầu cho sản phẩm này cũng tăng cao qua nhiều năm. Lợi dụng sơ hở của tình hình dịch bệnh, các vụ buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới vẫn tăng và chưa hề hạ nhiệt. Đến nay, Việt Nam vẫn là nước có tỉ lệ buôn lậu thuốc lá cao trong khu vực, thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
WHO cảnh báo: Nếu không thể ngăn chặn, hãy quản lý
Việt Nam không phải quốc gia duy nhất quan tâm đến thuốc lá thế hệ mới, thực tế sự xuất hiện của các sản phẩm này đã luôn là vấn đề bàn thảo của các nước, các tổ chức trên toàn cầu.
Tại Hội nghị các Bên (COP) do WHO chủ trì từ phiên họp thứ 3 (COP3) vào năm 2008, phần lớn các nước đã thảo luận về sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm nicotin thế hệ mới. Từ đó, Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) ra đời nhằm hướng dẫn các nước thực thi kiểm soát việc hút thuốc lá trên toàn cầu.
Trước thực tế việc ngăn chặn hoàn toàn sự hiện diện của những sản phẩm này là không khả thi, Hội nghị các Bên phiên họp thứ 7 (COP7) đã đưa ra các phương án quản lý chi tiết đối với thuốc lá điện tử có nicotin (ENDS) và không có nicotin (ENNDS).
Theo đó, một số điểm nổi bật trong việc quản lý chính là không cho phép sản phẩm tiếp cận đến những đối tượng chưa thành niên. Liên quan đến vấn đề thuế lên sản phẩm này, văn bản COP7 cũng nêu rõ các sản phẩm thuốc lá điếu đốt cháy nên bị đánh thuế ở mức cao hơn ENDS/ENNDS để ngăn chặn việc bắt đầu hút thuốc và giảm việc tái hút thuốc.
Tại Hội nghị Các bên lần thứ 8 (COP8), các sản phẩm thuốc lá làm nóng được nhìn nhận là sản phẩm thuốc lá, chịu sự điều chỉnh của tất cả các điều khoản liên quan của Công ước Khung FCTC của WHO cũng như các quy định và sự kiểm soát có liên quan của nước sở tại.
Báo cáo Tiến độ Toàn cầu năm 2018 về việc Thực hiện Công ước Khung FCTC, các quốc gia đều đánh giá rằng sản phẩm thuốc lá và các sản phẩm nicotin thế hệ mới trên thị trường của mình, thường là nằm ngoài khung pháp lý hoặc khung quy định của các quốc gia này.
Do vậy, Công ước Khung FCTC cũng nhấn mạnh rằng việc cho phép các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tồn tại trên thị trường mà không quản lý có thể đe dọa các chiến lược kiểm soát thuốc lá, cũng như làm suy yếu nỗ lực của Công ước trong việc ngăn chặn hành động hút thuốc trở thành một hành vi bình thường trên toàn cầu.
WHO không phải là tổ chức duy nhất dành nhiều sự quan tâm đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới. Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã làm nhiều nghiên cứu, kiểm tra khả năng giảm thiểu phơi nhiễm của những sản phẩm thuốc lá không khói.
Đến nay, trong các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đã có thuốc lá làm nóng (chỉ những sản phẩm đã được FDA kiểm nghiệm và cho phép) và thuốc lá ngậm snus đã được FDA thẩm định hồ sơ và cho phép thương mại tại thị trường Hoa Kỳ.
Hành động này của FDA nhằm mục đích giúp cho chính phủ thành viên của Công ước Khung FCTC có thêm nhiều sở cứ khoa học để tham khảo và đưa ra quyết định phù hợp với tình hình quốc gia hiện tại.
Mặt khác, các chuyên gia y tế toàn cầu cũng nhận định càng có nhiều khoa học giảm thiểu tác hại đối với các sản phẩm không khói, sẽ càng đẩy nhanh việc chuyển đổi hoàn toàn từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thay thế ít tác hại hơn. Điều này sẽ hiệu quả hơn so với việc để người hút thuốc tiếp tục hút thuốc lá đốt cháy.
Tại Việt Nam, việc quản lý các sản phẩm thuốc lá hiện đang trong giai đoạn chờ chỉ đạo từ Chính phủ sau hơn 4 năm nghiên cứu và đánh giá toàn diện của các bộ ban ngành liên quan.
Các nghiên cứu này bao gồm những biện pháp siết chặt sự tiếp cận của giới trẻ, đánh giá tính lợi ích trong việc ngăn chặn và phòng chống buôn lậu khi sản phẩm đưa vào quản lý, các lợi ích kinh tế quốc gia cũng như lợi ích cho người đang hút thuốc.
Đồng thời, khi quản lý được các sản phẩm này, chứng tỏ Việt Nam có đủ năng lực, không thua kém các nước trên thế giới trong việc kiểm soát và đưa mọi sản phẩm thuốc lá vào quản lý bằng các bộ luật. Điều này sẽ đáp ứng sự kêu gọi của WHO trong việc chống bình thường hóa việc hút thuốc tại các quốc gia.