Thêm tín hiệu sáng cho thị trường bất động sản


Việc thu ngân sách từ bất động sản gia tăng đã tiếp thêm những tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc đang phục hồi.

Việc thu ngân sách từ bất động sản gia tăng đã tiếp thêm những tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc đang phục hồi. Ảnh:VA
Việc thu ngân sách từ bất động sản gia tăng đã tiếp thêm những tín hiệu tích cực cho thị trường địa ốc đang phục hồi. Ảnh:VA

Theo đó, sự gia tăng nguồn thu này xuất phát từ việc địa phương đấu giá đất, giao đất, thu tiền sử dụng đất của dự án.

Tài chính liên quan tới bất động sản tích cực

Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách 5 tháng đầu năm của cả nước là 898.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thu nội địa gần 756.000 tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm 2023. Riêng khoản thu từ nhà, đất đạt 90.600 tỷ đồng, tăng tới 78,2% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, do thị trường bất động sản trầm lắng nên thu ngân sách từ nhà đất giảm so với năm 2022. Như mới đây, cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cho biết thị trường bất động sản ở địa phương này cũng có chiều hướng tăng tích cực. Cụ thể, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại TP. Hồ Chí Minh ước đạt 101.814 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4%.

Tại TP. Hồ Chí Minh, số doanh nghiệp bất động sản đăng ký hoạt động mới cũng đạt 395 trong 4 tháng đầu năm, tuy giảm 6,6% về số lượng được cấp phép song tăng gần 150% về số vốn đăng ký.

Tính trên cả nước, những số liệu về dư nợ tín dụng liên quan tới ngành địa ốc cũng có chiều hướng tích cực. Như báo cáo của Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cho biết, tính đến 29/2/2024 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).

Như vậy hết quý I/2024, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn.

Mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đang ngược chiều với xu hướng tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế. Bởi tính tới cuối tháng 2/2024, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế giảm 0,75% so với cuối năm 2023.

Cuối năm 2023, dư nợ bất động sản là khoảng 2,88 triệu tỷ đồng, trong đó vay kinh doanh bất động sản khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; vay tiêu dùng, tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản 1,79 triệu tỷ đồng.

Kỳ vọng vào các động thái nới lỏng tín dụng

Cuối tháng 5 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản gửi các tổ chức tín dụng; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu thực hiện một số giải pháp về tín dụng và lãi suất. Trong đó, phấn đấu giảm 1 - 2%/năm lãi suất cho vay.

Việc này nhằm tạo động lực tăng trưởng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho các ngành nghề, trong đó có lĩnh vực nhà ở. Đây cũng được xem là thông tin tích cực đối với thị trường địa ốc.

Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho biết, hiện nay các kênh huy động vốn vào thị trường địa ốc rất hạn chế, nguồn vốn ngoại đang được xem là chủ lực. Nhưng trên thực tế, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người mua nhà chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng (chiếm tới 70% các khoản vay), với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu giải pháp để hạ 1 – 2%/năm lãi suất cho vay sẽ mang đến những tác động “kép” đối với thị trường này.

“Với động thái chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ Ngân hàng Nhà nước, không chỉ mang đến những tác động tích cực cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, mà còn đối với cả người mua nhà. Vì nếu được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn, bảo đảm được lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư; đồng thời cũng kích thích nhu cầu mua nhà, sở hữu nhà của người dân” – ông Đính nhận định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều quan trọng là các doanh nghiệp bất động sản có tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ hay không. Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, nếu nhìn vào thực tế thời gian gần đây mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất cho vay nhưng đầu ra của thị trường địa ốc vẫn “ách tắc”. Nguyên nhân được ông chỉ ra là do doanh nghiệp, người dân vẫn gặp khó trong tiếp cận với các khoản vay, ngân hàng siết chặt quy định về điều kiện được vay vốn.

Theo Vi Anh/Diendandoanhnghiep.vn