Thép nhập khó tránh trừng phạt lẩn tránh thuế

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Việc phía Mỹ mới đánh thuế hơn 450% với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan tiếp tục là lời cảnh báo trước rủi ro nguyên liệu đầu vào cho thép Việt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, trước tiên cần phải nhìn lại kết quả nhập khẩu (NK) sắt thép từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) hiện nay như thế nào?

Số liệu thống kê cho thấy riêng 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch NK sắt thép các loại từ Hàn Quốc là hơn 1,18 tỷ USD (chiếm 14,6% tổng kim ngạch NK sắt thép), tăng 2,3% về lượng và giảm 0,99% về kim ngạch so cùng kỳ năm ngoái.

Càng nhập càng lo

Trong khi đó, NK sắt thép từ thị trường Đài Loan trong 10 tháng đầu năm 2019, theo Tổng cục Hải quan, đạt 1,36 triệu tấn, tương đương 810,94 triệu USD (chiếm 10% tổng kim ngạch NK sắt thép), tăng 10,7% về lượng nhưng giảm 1,3% về kim ngạch so với cùng kỳ.

Điều đáng lưu ý thêm là giá thép NK từ Hàn Quốc đã giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi giá thép NK từ Đài Loan đạt 595,2 USD/ tấn, giảm 10,9%.

Trên thực tế, mọi động thái NK thép từ Hàn Quốc và Đài Loan sẽ khó tránh khỏi sự theo dõi sát sao từ phía Mỹ.

Đặc biệt là khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) trước đó đã mở cuộc điều tra theo đề nghị của các công ty thép ở Mỹ gồm ArcelorMittal, Nucor Corp, United States Steel Corp, Steel Dynamics Inc, Califronia Steel Industries, AK Steel đối với các sản phẩm thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội sử dụng thép chất nền có từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan có biểu hiện trốn thuế chống bán phá giá (CBPG) và thuế chống trợ cấp của Mỹ.

Thông báo ngày 18/12 của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết DOC đã ra kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp CBPG và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan. Kết luận cuối cùng về cơ bản giữ nguyên như kết luận sơ bộ đã được Mỹ ban hành vào tháng 7/2019.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Mỹ, trong 10 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu (XK) thép CORE và CRS của Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 260 triệu USD. Thị trường Mỹ hiện chiếm 6,5% tổng lượng XK thép của Việt Nam (ASEAN vẫn là thị trường XK nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 65%).

Phía DOC cho rằng các mặt hàng thép mạ và thép cán nguội của Việt Nam được sản xuất từ thép cán nóng của Hàn Quốc và Đài Loan không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi đáng kể của Mỹ và do đó bị coi là lẩn tránh thuế.

Với kết luận này, cơ quan Hải quan Mỹ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam với cơ chế cụ thể như sau: Những lô hàng thép CR và CORE XK từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456% (mức thuế Mỹ đang áp dụng với thép Trung Quốc).

Nếu doanh nghiệp (DN) chứng minh nguyên liệu cán nóng NK từ Hàn Quốc hoặc Đài Loan sẽ bị áp thuế tương ứng của Hàn Quốc (29,4% với thép CORE; 24,2% với thép CRS) và Đài Loan (10,34% với thép CRS).

Các DN thép Việt Nam cần tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh rủi ro
Các DN thép Việt Nam cần tự chủ nguồn nguyên liệu đầu vào để tránh rủi ro
 

Nên tự chủ nguyên liệu

Theo Bộ Công Thương, ngành thép Việt Nam hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn tại một số thị trường do các nước đang tiến hành các biện pháp tự vệ. Gần nhất, ngày 8/11/2019, Canada đã khởi xướng điều tra CBPG, chống trợ cấp đối với sản phẩm thép chống ăn mòn từ Việt Nam và một số nước.

Do đó, cùng việc hỗ trợ DN trong các vụ việc điều tra, trao đổi thông tin, cảnh báo nguy cơ bị khởi kiện vụ việc phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép XK của Việt Nam, Bộ Công Thương khuyến cáo DN ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước.

Như vậy, nếu các DN chứng minh được nguyên liệu sản xuất là của Việt Nam hoặc các nước/vùng lãnh thổ ngoài 3 nguồn trên sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế, tức là không phải nộp thuế.

Thực tế, ngay khi DOC bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc, Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN XK để làm rõ thông tin, đề nghị ngành sản xuất trong nước phối hợp đầy đủ với cơ quan điều tra của Mỹ.

Bộ Công Thương cũng đã đề nghị DOC xem xét tạo điều kiện cho các DN tham gia cung cấp thông tin, mở rộng diện cho phép DN tự chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Mỹ để ngăn chặn các hành vi gian lận, lẩn tránh bất hợp pháp.

Trước các đòn trừng phạt lẩn tránh thuế như vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu các DN Việt Nam có cần NK nhiều thép từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đang đối mặt với đòn thuế của Mỹ như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… hay không?

Nói cách khác, ngành thép Việt Nam có cần phải sản xuất tất cả mọi thứ từ A đến Z, để theo đuổi mục tiêu thay thế hàng NK hay không?

Sẽ khó để trả lời sòng phẳng cho vấn đề này. Còn trước mắt, DN sản xuất, XK lớn cần tiếp tục chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh Mỹ điều tra chống lẩn tránh. Đặc biệt là chuyển hướng sử dụng nguyên liệu đầu vào (thép cán nóng) từ nhiều nguồn khác cũng như mua thép cán nóng sản xuất trong nước, xây dựng hệ thống quản lý để phục vụ việc tự chứng nhận…