Việt Nam bị khởi xướng điều tra 154 vụ phòng vệ thương mại chỉ trong 9 tháng năm 2019
Bộ Công Thương cho biết đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất
Đáng chú ý, trong số đó, Hoa Kỳ là nước khởi xướng điều tra nhiều nhất (30 vụ, chiếm 19%); thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ (21 vụ, chiếm 14%); thứ ba là Ấn Độ (20 vụ, chiếm 13%) và thứ tư là EU (14 vụ, chiếm 9%).
Dẫn đầu là các vụ việc điều tra chống bán phá giá (87 vụ việc, chiếm 56%); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (33 vụ, chiếm 21%); thứ ba là các vụ việc chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (19 vụ việc, chiếm 13%) và cuối cùng là các vụ việc chống trợ cấp (15 vụ việc, chiếm 10 %).
Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 15 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó gồm 8 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh thuế tự vệ.
"So với con số hơn 150 vụ việc mà các nước đã điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì con số 15 vụ việc vẫn còn khiêm tốn", Bộ Công Thương đánh giá.
Nguyên nhân được Bộ này cho là do chủ trương khuyến khích tự do hóa thương mại của ta và Việt Nam chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong trường hợp thật sự cần thiết trên cơ sở kết quả điều tra đảm bảo các quy định pháp luật. Cho đến nay, các biện pháp phòng vệ thương mại đã góp phần bảo vệ công ăn việc làm của hàng trăm nghìn lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.
Chủ động với phòng vệ thương mại
Trên thực tế, trước “bão” kiện phòng vệ thương mại dồn dập thời gian qua, Bộ Công Thương cũng đã có những động thái hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó kịp thời.
Việt Nam đã thu được một số kết quả khả quan trong các vụ việc. Cụ thể như, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp dụng biện pháp/không gia hạn áp dụng biện pháp) đối với 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra; khiếu kiện 5 vụ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc (với kết quả tích cực) và 2 vụ đang trong quá trình xét xử.
Trên báo chí, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại: Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, đặc biệt đối với nhiều nhóm sản phẩm như thép, nhôm, nông sản, thủy sản,… để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu (tăng giá trị gia tăng trong nước), Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)...”, ông Dũng nói.
Nhằm ứng phó với các hệ quả phát sinh, góp phần khai thác hiệu quả, bền vững các Hiệp định FTA, đầu tháng 7 năm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 824/QĐ-TTg ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ (Đề án 824).
Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị Quyết về một số biện pháp cấp bách để tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.