Thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan
(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.
Theo đó, đối tượng phải làm thủ tục hải quan bao gồm: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; vật dụng trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt, công cụ chuyển nhượng, vàng, kim loại quý, đá quý, văn hóa phẩm, di vật, cổ vật, bảo vật, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; và các vật phẩm khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trong địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan; phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sông xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Đối tượng chịu sự kiểm tra hải quan gồm: Hồ sơ hải quan và các chứng từ liên quan đến các đối tượng phải làm thủ tục hải quan nêu trên.
Đối tượng chịu sự giám sát hải quan gồm: Đối tượng phải làm thủ tục hải quan nêu trên; hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan; hàng hóa là máy móc,thiết bị, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu đang lưu giữ tại các cơ sở sản xuất của tổ chức, cá nhân; hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được đưa về bảo quản chờ thông quan; hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.
Về việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, Nghị định quy định người khai hải quan khai thông tin, nộp chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thông qua một hệ thống thông tin tích hợp (gọi là Cổng thông tin một cửa quốc gia). Thời điểm khai thông tin, nộp chứng từ điện tử thực hiện theo quy định của các luật quản lý chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thực hiện các luật quản lý chuyên ngành.
Các cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin của người khai hải quan; phản hồi kết quả xử lý cho người khai hải quan; trao đổi thông tin khai thủ tục hành chính và kết quả xử lý thông tin khai thủ tục hành chính giữa các cơ quan nhà nước với nhau thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Người khai hải quan tiếp nhận kết quả xử lý từ các cơ quan nhà nước thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cơ quan hải quan căn cứ kết quả xử lý của các cơ quan nhà nước để ra quyết định cuối cùng về thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phản hồi kết quả cho người khai hải quan thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định quy định cụ thể chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp, việc áp dụng quản lý rủi ro trong thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phân loại hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; trị giá hải quan; việc xác định trước mã số, xuất xứ và trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công; hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển, quá cảnh, hàng hóa đưa vào, đưa ra khu phi thuế quan; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khác; thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải, tàu biển, ô tô xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; thủ tục hải quan, giám sát hải quan đối với tàu hỏa liên vận quốc tế nhập cảnh, xuất cảnh; thủ tục thành lập, hoạt động của kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ; kiểm tra sau thông quan; các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2015 và thay thế các Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005; Nghị định số 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012; Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 01/7/2002; Nghị định số 06/2003/NĐ-CP ngày 22/01/2003; Nghị định số 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007.
Nghị định 08/2015/NĐ-CP được xây dựng trên quan điểm và nguyên tắc nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đại hóa hoạt động hải quan, áp dụng rộng rãi phổ biến hải quan điện tử, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế, góp phần bảo vệ lợi ích chủ quyền và an ninh quốc gia.