Thị trường bán lẻ: Đích đến của nhà đầu tư nước ngoài
Với quy mô thị trường lớn và chính sách phát triển thị trường trong nước mang tính cởi mở, thị trường bán lẻ Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản diễn ra vào cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp các tập đoàn kinh tế lớn tại Nhật Bản. Tại đây, ông Motoya Okada – Chủ tịch Tập đoàn AEON – một nhà bán lẻ hàng đầu Nhật Bản cho biết, đang triển khai kế hoạch trung và dài hạn tại Việt Nam, coi đây là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật Bản. Theo đó, tập đoàn này sẽ tăng gấp đôi trung tâm thương mại tại nước ta trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc chiến lược, nguồn nhân lực, truyền thông và đối ngoại AEON, tính đến thời điểm hiện tại, tập đoàn này đã có mặt ở 6 tỉnh, thành phố của Việt Nam, bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Vũng Tàu với các lĩnh vực kinh doanh khá đa dạng như: Trung tâm mua sắm, bách hóa siêu thị; cửa hàng kinh doanh về xe đạp, thú cưng và hóa mỹ phẩm và cửa hàng đồng giá.
Bên cạnh AEON, thời gian qua, liên tục các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài như: FamilyMart; K-Mart; Lotte; Central Group; Circle K… cũng liên tục đẩy mạnh chiến lược xâm nhập và mở rộng tại thị trường Việt Nam. Đặc biệt, sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam còn thể hiện rõ thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) diễn ra sôi động thời gian qua. Điển hình tháng 5/2021, một nhóm các nhà đầu tư trong đó có “ông lớn” thương mại điện tử là Alibaba và quỹ đầu tư Banring Private Equity Asia đã “rót” vốn đầu tư 400 triệu USD vào The Crownx. Trước đó, SK Group đã rót 410 triệu USD cho 16,26% cổ phần tại VinCommerce – Công ty điều hành hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ (nay được đổi tên thành WinMart) của Masan.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam bởi đây là một thị trường có số lượng dân số tăng đều và chi tiêu dùng tăng nhanh. Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện chiếm 13% tổng dân số và có thể tăng lên 26% vào năm 2026.
Theo bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – Để phát triển thị trường trong nước, tháng 7/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1163/QĐ-TTg “Phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thông điệp Quyết định đưa ra là, nhà nước hoàn thiện thể chế theo hướng hiện đại, tạo điều kiện phát triển thị trường trong nước theo hướng thuận lợi, ổn định, minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể tham gia.
Mục tiêu của Quyết định là, phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững, là bệ đỡ, điểm tựa vững chắc cho sản xuất trong nước ngày càng đổi mới, phát triển; xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước và nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế- xã hội, tạo tiền đề vững chắc để tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới. Mục tiêu cụ thể là, giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9,0-9,5%/năm, đến năm 2030 đóng góp khoảng 15,0%-15,5% vào GDP; giai đoạn 2031-2045, giá trị tăng thêm của thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân 8,5-9,0%/năm, đến năm 2045, đóng góp khoảng 15,5-15,7% GDP cả nước.
Nhằm phát triển thị trường trong nước, bà Lê Việt Nga cho rằng, các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương sẽ có những bước tiến nổi bật để xây dựng một môi trường kinh doanh hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài quan râm đến phát triển thị trường trong nước của Việt Nam.
Việt Nam đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới với 17 Hiệp định thương mại tự do được ký kết và có hiệu lực, đây là động lực, cơ sở quan trọng để Việt Nam thúc đẩy thị trường trong nước theo hướng văn minh, hiện đại, hiệu quả.