Đại dịch thúc đẩy các nhà bán lẻ Việt Nam tiến vào hành trình chuyển đổi số
Người tiêu dùng Việt Nam gia tăng mua sắm trực tuyến và sử dụng các nền tảng mạng xã hội
Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa vừa công bố, tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong các hình thức bán lẻ và tiêu dùng số. Cụ thể, trong bối cảnh người tiêu dùng dành hầu hết thời gian ở nhà thì quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử đã diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng.
Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% số người tiêu dùng Việt được khảo sát hiện đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước đại dịch.
Chính điều này đang kéo ranh giới giữa thương mại truyền thống và thương mại kỹ thuật số mờ dần khi đại đa số (77%) người tiêu dùng Việt Nam hiện đã biết đến hoạt động mua sắm trên mạng xã hội. Tính đến thời điểm hiện tại, mức độ nhận biết và đón nhận loại hình thương mại này được ghi nhận đông đảo nhất ở nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi 18-23, những người thường xuyên sử dụng mạng xã hội nên dễ dàng nắm bắt được tính năng thương mại trên các nền tảng này.
Bà Đặng Tuyết Dung - Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào - cho biết: Người tiêu dùng ngày càng trở nên hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử.
Trước xu thế trên, các nhà bán lẻ hiện nay đang quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ của mình đến người tiêu dùng thông qua mạng xã hội. Trong thời gian qua, 41% doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia vào thương mại trên mạng xã hội nhằm đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Được xem là một công cụ nổi bật khi nhắc đến nội dung kỹ thuật số, nền tảng truyền thông mạng xã hội là nơi lý tưởng để các thương hiệu và người bán thu hút lượng lớn khán giả thông qua sự cá nhân hóa. Các nhà bán lẻ không chỉ tìm được khách hàng tiềm năng nhờ quảng cáo nhắm vào đối tượng cụ thể, mà còn có thể tiếp cận khách hàng và mang đến những chương trình ưu đãi riêng phù hợp với nhu cầu từng cá nhân.
Được biết, để giúp doanh nghiệp có được những khởi đầu thành công trên hành trình số hóa, Visa hiện đang cung cấp nhiều hỗ trợ đa dạng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh công cụ hữu ích như giải pháp báo cáo chi tiêu - tiết kiệm đáng kể thời gian quản lý chi phí cho doanh nghiệp, Visa cũng chia sẻ kiến thức chuyên môn đến với các chủ doanh nghiệp thông qua chương trình kỹ năng kinh doanh thực tiễn, và chuỗi sự kiện đào tạo Retail University hợp tác tổ chức với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời huy động mạng lưới đối tác rộng lớn nhằm thu hút nhiều người tiêu dùng hơn đến với các nền tảng kỹ thuật số.