Thị trường bán lẻ: Miếng bánh ngon cho doanh nghiệp ngoại?

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Bằng nhiều hình thức, các đại gia bán lẻ ngoại đã và đang “đổ bộ” vào Việt Nam với tham vọng chiếm lĩnh thị phần của thị trường bán lẻ đầy tiềm năng này.

Thị trường bán lẻ: Miếng bánh ngon cho doanh nghiệp ngoại?
Các đại gia bán lẻ ngoại đã và đang “đổ bộ” vào Việt Nam. Nguồn: internet

Các chỉ số vàng về bán lẻ

Việt Nam được đánh giá là một thị trường bán lẻ mới nổi và đầy tiềm năng, là cơ sở để phát triển thị trường bán lẻ so với các nước đã và đang phát triển, thậm chí so với những quốc gia trong nhóm kinh tế siêu cường tiềm năng BRIC bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo báo cáo phân tích thống kê của Tập đoàn toàn cầu Business Wire (tập đoàn chuyên nghiên cứu đánh giá về các môi trường kinh doanh), chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, doanh thu của thị trường này đã tăng gần 3 lần từ mốc 29 tỷ USD của năm 2009 lên con số 80 tỷ USD vào năm 2012.

Năm 2013, theo Business Wire, doanh thu bán lẻ của nước ta ước đạt tới con số 113 tỷ USD vào cuối năm, đồng thời thị trường này sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng kép khoảng 15%.

Mặt khác, theo đánh giá từ các chuyên gia, Việt Nam đạt nhiều chỉ số vàng về bán lẻ. Với quy mô hơn 90 triệu dân trong đó chiếm tới hơn 60% dân số ở độ tuổi dưới 30 và thuộc lực lượng lao động có sức mua cao.

Ngoài ra, khoảng 20% số dân ở độ tuổi từ 10 - 19, có nghĩa là trong 10 năm kế tiếp vẫn có khoảng gần 20 triệu dân số trẻ của Việt Nam sẽ trở thành khách hàng tiềm năng của thị trường bán lẻ.

Trong bối cảnh phát triển xã hội hiện đại, các nghiên cứu khảo sát cho thấy, ở Việt Nam cứ 100.000 người sẽ cần có một trung tâm thương mại hoặc trung tâm mua sắm quy mô lớn; hoặc 10.000 người dân cần có một siêu thị… do đó, sức mua của thị trường còn rất lớn.

Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh quy định về Kiểm tra nhu cầu Kinh tế (ENT) tại Thông tư 08/2013 của Bộ Công thương đã làm tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài tới thị trường Việt Nam.

Bởi lẽ, các nhà bán lẻ nước ngoài sẽ không phải thông qua kiểm định ENT nếu như mở thêm các cửa hàng có diện tích nhỏ hơn 500m2 hoặc mở điểm kinh doanh bán lẻ tại các khu vực được quy định.

Lộ tham vọng của đại gia ngoại

Nhận thức được tiềm năng này, thời gian gần đây, hàng loạt các đại gia bán lẻ trên khắp thế giới “nhòm ngó” tới thị trường bán lẻ ở Việt Nam, khiến cho thị trường này càng nóng bỏng hơn bao giờ hết.

Với tiềm lực tài chính dồi dào, kinh nghiệm quản lý lâu đời, các tập đoàn đa quốc gia đang từng bước đặt dấu ấn mạnh mẽ lên thị trường này.

Gương mặt đáng chú ý đầu tiên chính là Tập đoàn Aeon – Công ty kinh doanh siêu thị và phân phối bán lẻ hàng đầu Nhật Bản.

Với việc khai trương Trung tâm Celadon Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh, quy mô xây dựng hơn 82.000m2 diện tích sàn, bãi đậu xe công suất lớn đáp ứng tới 900 xe hơi, 2.700 xe máy, thu hút khoảng 5.000 lao động… đại gia bán lẻ này đã chính thức bước chân vào chinh phục thị trường bán lẻ Việt Nam.

Không những thế, Aeon Nhật Bản còn lộ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường khi công bố kế hoạch sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn vào năm 2020 với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD.

Tiếp đó phải kể đến Central Group, tập đoàn bán lẻ lớn nhất của Thái Lan. Vừa qua, tập đoàn này đã công bố việc sẽ khai trương chuỗi siêu thị Robinsons Department Store vào tháng tới tại Hà Nội. Đây là chi nhánh quốc tế đầu tiên của tập đoàn với quy mô 10.000m2 tại khu phức hợp Royal City, Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo thông tin từ tập đoàn này, dự kiến vào cuối năm 2014, trung tâm mua sắm thứ 2 sẽ đi vào hoạt động tại TP. Hồ Chí Minh, cả 2 nơi này sẽ cần tuyển khoảng 1.000 nhân viên.

Một đại gia bán lẻ đầy tiềm lực khác là Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc cũng đang dần lộ rõ tham vọng chiếm lĩnh thị trường này.

Hiện tại, ngoài hệ thống Lotte Mart đặt tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận, tập đoàn này đang ráo riết triển khai hàng loạt các dự án mới tại Bình Dương và Phan Thiết, Hà Nội cùng nhiều hợp đồng đã được ký kết để xây dựng các đại siêu thị tại Việt Nam.

Theo chia sẻ từ ông Hong Pyong Gyu, Tổng giám đốc Công ty Lotte Mart Việt Nam, dự kiến đến năm 2020 Lotte sẽ phát triển 60 đại siêu thị kinh doanh đa ngành tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD.

Tháng 1/2014 vừa qua, dự án Công ty TNHH Trung tâm thương mại tổng hợp Lotte Vũng Tàu đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư 34,339 triệu USD tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với mục tiêu xây dựng, quản lý vận hành và kinh doanh trung tâm tổng hợp hiện đại.

Không những thế, hiện Lotte cũng đang đẩy mạnh việc mua lại các khách sạn, trung tâm thương mại sẵn có tại Việt Nam để vừa cụ thể hóa con số 60 đại siêu thị, vừa phát triển theo hướng đa phong cách, mua sắm kết hợp vui chơi giải trí, nhằm sớm chinh phục người tiêu dùng cũng như nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, khá nhiều đại gia khác cũng đang “bóng gió” sẽ chen chân vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Hai trong những cái tên phải kể đến chính là Auchan (Pháp), Mapletree (Singapore), Wall Mart…

Auchan là một tập đoàn cỡ trung về bán lẻ tại Pháp có mặt tại 15 nước trên thế giới đã cam kết sẽ đầu tư 500 triệu USD trong 10 năm tại Việt Nam; Mapletree - tập đoàn bán lẻ hàng đầu Singapore cũng đã cam kết đầu tư lên đến 1 tỷ USD.

Cho dù chưa công bố chính thức, nhưng nhiều nguồn tin cho rằng nhà bán lẻ số 1 thế giới là Wall Mart cũng đang chuẩn bị kế hoạch để đặt cơ sở kinh doanh đầu tiên tại Việt Nam trong tương lai gần.