Thị trường bất động sản: Bao giờ sẽ hồi phục?
Trải qua quý I/2020, thị trường bất động sản đã chứng kiến các chỉ số về cung, cầu và khả năng thanh khoản sụt giảm. Những e ngại được đặt ra về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản khó chồng khó
Các báo cáo quý I/2020 từ những tổ chức nghiên cứu thị trường bất động sản đều cho thấy, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu sụt giảm nghiêm trọng từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tình hình thị trường bất động sản quý I/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Nguồn cung trong quý I trên thị trường đạt 52.000 sản phẩm, trong đó có 18.000 sản phẩm mới nhưng tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 14%. Lượng cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM quý I/2020 của DKRA cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về nguồn cung mới và sức cầu của hầu hết các phân khúc.
Quý I/2020, thị trường ghi nhận tình trạng bán tháo và cắt lỗ của một số nhà đầu tư trên các diễn đàn.
Đặc biệt, thông tin nhiều ngân hàng đua nhau phát mãi các dự án căn hộ, đất nền với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng để thu hồi nợ cũng khiến giới đầu tư lo ngại. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng này đang cảnh báo những bất ổn trên thị trường bất động sản. Làn sóng khó khăn sẽ càng bị khoét sâu khi việc thanh khoản bất động sản thế chấp là điều không dễ dàng.
Báo cáo mới đây nhất của SSI Research cũng tiếp tục đưa ra cảnh báo về sự bất ổn của thị trường. Cụ thể, trong quý I, các doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận vay trái phiếu lãi cao. Báo cáo của SSI ghi nhận, nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tỷ lệ 49%, tương ứng với 23.202 tỷ đồng.
Trong đó, lãi suất phát hành bình quân trong qúy I là 10,77%/năm, tăng 43 điểm cơ bản so với bình quân năm 2019, dù kỳ hạn bình quân ngắn hơn 1-2 tháng.
Trước động thái sẵn sàng vay trái phiếu lãi cao của các doanh nghiệp địa ốc, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, tình trạng khốn khó của các doanh nghiệp đang gia tăng khi họ chấp nhận rủi ro lớn để tìm nguồn vốn cho phát triển các dự án.
Ông Hiếu cho rằng, dấu hiệu này đang cảnh báo sự bất ổn của thị trường khi doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng chấp nhận phát hành trái phiếu lãi suất cao.
Hàng loạt các tín hiệu khó khăn của thị trường khiến giới đầu tư và chuyên gia đặt ra lo ngại về sự phục hồi của thị trường trong thời gian sớm là khó xảy ra.
Thị trường bất động sản bao giờ phục hồi?
Thế nhưng, trái với tâm lý lo lắng và e ngại về khả năng phục hồi của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam lạc quan cho rằng, chỉ giữa tháng 5 thị trường sẽ bắt đầu phục hồi và sôi động trở lại.
Ông Đính nhận định: “Sau thời điểm dỡ cách ly, các thị trường bất động sản lớn như Hà Nội và TP.HCM sẽ sớm nhộn nhịp trở lại từ giữa tháng 5. Bởi chính sách cách ly được dỡ bỏ, người dân cần phải ổn định lại công việc trong thời gian gián đoạn vừa qua. Thế nên, thị trường không thể sôi động ngay trong 1-2 tuần mà cần khoảng thời gian để thở dần”.
Ông Đính dự đoán, chỉ khoảng 2-3 tuần nữa, hoạt động mua bán sẽ có nhiều tín hiệu tốt, nhộn nhịp trở lại. Thị trường sẽ sớm phục hồi.
Trong khi đó, ông Quang Minh (Giám đốc công ty bất động sản Hà Nội) lại cho rằng: “Nhìn vào chu kỳ phục hồi của thị trường bất động sản, khoảng thời gian co dãn đều thu hẹp. Nếu như giai đoạn 2011 - 2013 thị trường mất 2 năm để khởi sắc. Đến giai đoạn này, thị trường được nhìn nhận sẽ sớm phục hồi trở lại, dự đoán cuối năm 2020, sang đầu năm 2021. Sau mỗi đợt khó khăn, khả năng tăng tốc và sôi động của thị trường sẽ gia tăng mạnh mẽ”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thị trường bất động sản sẽ khó dự đoán được khả năng phục hồi, bởi khả năng kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 vẫn chưa xuất hiện.
“Nguy cơ vỡ trận có thể xảy ra khi sự phục hồi của thị trường bất động sản chưa thể dự đoán, khả năng cầm cự và phát triển của doanh nghiệp còn khốn khó", ông Hiếu nhấn mạnh.