Thị trường Bờ Biển Ngà: Cơ hội đi cùng thách thức
(Tài chính) Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Bờ Biển Ngà bởi chất lượng và giá cả cạnh tranh. Dù vậy, vẫn có không ít những thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Vụ châu Phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương, sản phẩm gạo Việt Nam đang được đánh giá cao và đáp ứng được thị hiếu của người dân Bờ Biển Ngà. Nhiều năm nay, gạo chiếm khoảng 95% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang quốc gia này với giá trị kim ngạch đạt 203,47 triệu USD năm 2012. Thị phần gạo Việt Nam cũng được mở rộng, chiếm trên 50% tổng lượng gạo nhập khẩu của Bờ Biển Ngà năm 2012 với 479.590 tấn.
Riêng 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường này 421 nghìn tấn gạo với trị giá 171,5 triệu USD; tăng 13,4% về lượng và tăng 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài nhu cầu nhập khẩu gạo để phục vụ tiêu dùng trong nước, Bờ Biển Ngà còn mua gạo để tái xuất sang các nước láng giếng nhờ vị trí địa lý trung tâm trong tiểu vùng. Đây là những yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn khai thác nhiều hơn ở thị trường tiềm năng này.
Bên cạnh gạo, chất dẻo nguyên liệu cũng là mặt hàng luôn có mặt trong tốp 3 các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà. Kim ngạch xuất khẩu đã không ngừng tăng từ 523.900 USD năm 2007 lên 3,1 triệu USD năm 2012. Thủy sản là mặt hàng mới của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ người tiêu dùng Bờ Biển Ngà với giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đạt 1,3 triệu USD năm 2012.
Cùng với đó, các mặt hàng như sắt thép, phụ tùng ô tô, xe máy, bánh kẹo, hạt tiêu, sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị phụ tùng, túi xách, vali, mũ, ô dù… cũng có nhiều triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu do nhu cầu của Bờ Biển Ngà liên tục tăng.
Thách thức
Dù là thị trường xuất khẩu mới, nhiều tiềm năng trong bối cảnh các thị trường truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản có dấu hiệu bão hòa, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn và rủi ro khi xuất khẩu hàng sang Bờ Biển Ngà.
Khó khăn lớn nhất trong hoạt động xuất khẩu sang thị trường Bờ Biển Ngà chính là khâu thanh toán. Do năng lực tài chính có hạn nên nhà nhập khẩu tại quốc gia này thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 đến 90 ngày, hình thức CIF (vận chuyển và giao hàng qua mạn tàu) và không mở L/C (do chi phí cao).
Hiện các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và Bờ Biển Ngà chưa có nhiều cơ hội làm việc trực tiếp với nhau, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu qua các tổ chức trung gian dẫn tới giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm thông tin về các đối tác gặp khó do rủi ro liên quan tới các công ty lừa đảo.
Bộ Công Thương cho rằng, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hiểu độ tin cậy của tất cả các đối tác thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Bờ Biển Ngà; tích cực tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương, VCCI và các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam tổ chức.