Thị trường chứng khoán: Chờ đợi “nới room”

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Dường như thị trường chưa tìm lại được động lực khi nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn hạn chế giải ngân đầu năm.

Thị trường chứng khoán: Chờ đợi “nới room”
Nhiều nhà đầu tư trong nước vẫn hạn chế giải ngân đầu năm. Nguồn: internet
Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mở cửa sau kỳ nghĩ lễ Tết Âm lịch không có quá nhiều đột biến. Chỉ số VN-Index chỉ dao động quanh ngưỡng 550 điểm do các thông tin cả vĩ mô và vi mô đều đã phản ánh hết vào giá cổ phiếu.

Không nhiều đột biến

Đồng thời các nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện bán ròng hơn 45 tỉ đồng trên cả hai sàn HSX và HNX. Theo công bố mới nhất từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì có trên 60% công ty chứng khoán (58/94) tiếp tục bị lỗ lũy kế trong năm 2013. Trong đó, 5 công ty bị đặt trong tình trạng kiểm soát và 9 công ty ở diện kiểm soát đặc biệt. Như vậy, kể từ khi thành lập tTTCKViệt Nam đến nay, đã có 15 công ty chứng khoán không còn hoạt động trên thị trường. Xu thế này sẽ còn tiếp tục diễn ra trong năm 2014 do một số công ty tiến hành hợp nhất, sáp nhập.

Kế hoạch hoạt động năm 2014 đang được các ngân hàng hoàn thiện để trình cổ đông trong kỳ đại hội thường niên vào đầu quý II năm 2014. Trong đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng dao động từ 12 - 15% đối với các nhà băng lớn và từ 9 - 12% đối với ngân hàng nhỏ.

Nhìn chung, tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn khi nợ xấu vẫn là mối đe dọa lớn, tồn kho và sức mua chưa được cải thiện nhiều, kể cả trong mùa cao điểm cuối năm vừa qua. Vì thế, dư nợ khối khách hàng doanh nghiệp được dự báo chưa có nhiều cải thiện so với năm 2013. Lộ trình giải quyết nợ xấu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào việc tái cơ cấu các khoản nợ rồi từ đó bán lại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Trong cả năm 2013, VAMC đã mua 38.900 tỉ đồng nợ gốc, tương đương 32.400 tỉ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt. Con số nợ xấu này được VAMC mua từ 35/36 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC. Sang năm 2014 mục tiêu mà VAMC đặt ra là sẽ xử lý được thêm 70.000- 100.000 tỉ đồng nợ xấu. Đây là vấn đề vô cùng cấp bách vì đến tháng 6/2014 là thời điểm áp dụng Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với những quy định chặt chẽ về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro. Khoảng thời gian chưa đầy 6 tháng còn lại là khá ngắn để các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ, giải quyết các khoản vay quá hạn có tài sản đảm bảo.

Kỳ vọng tăng trưởng

Dựa số liệu từ NHNN tổng nợ xấu đang theo dõi nội bảng khoảng 142.000 tỉ đồng, chiếm 4,55% tổng dư nợ. Vì vậy, trong thời gian tới có thể xuất hiện tình trạng các ngân hàng sẽ chạy đua bán lại nợ xấu cho VAMC trước khi thông tư 02 đi vào hiệu lực. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ra chủ trương cho NHNN đẩy nhanh tốc độ giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Một trong những vướng mắc chính là xem xét tháo gỡ là việc kéo dài thời hạn cho vay lãi suất ưu đãi. Bởi theo quy định, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi tối đa đối với khách hàng cá nhân là 10 năm và không quá 5 năm với doanh nghiệp đầu tư, xây dựng nhà. Do đó, thời hạn vay có thể kéo dài lên đến 15 năm. Điều này cũng là một trong những giải pháp chính để hồi phục cho thị trường bất động sản đang đóng băng.

TTCK sẽ tiếp tục là kênh sinh lời tốt trong năm 2014 với kỳ vọng tăng trưởng từ 15-20%. Thông tin được mong chờ nhất là quyết định tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room) sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh trong việc thu hút dòng vốn ngoại. Khi đó, chỉ số VN-Index có thể tiệm cận lên ngưỡng 600 điểm.