Thị trường chứng khoán Mỹ tệ nhất 10 năm qua
Các chỉ số DJIA, S&P 500, Nasdaq đều giảm điểm khi thị trường Mỹ kết thúc năm 2018.
2018 là một năm nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ muốn quên. Chỉ số DJIA giảm 5,6%, S&P 500 giảm 6,2% và Nasdaq giảm 4%. Đây là năm tệ nhất với thị trường chứng khoán Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính 2008. Trong 10 năm qua, chỉ số S&P 500, DJIA chỉ giảm nhẹ một lần khi kết thúc năm 2005.
Riêng tháng 12/2018, chỉ số S&P 500 lao dốc 9%, DJIA giảm 8,7% - mức tệ nhất đối với tháng 12 kể từ năm 1931. Chỉ trong một tuần của tháng cuối năm, DJIA mất 350 điểm. Trong khi, chỉ số S&P 500 đã 9 lần tăng, giảm hơn 1% trong tháng 12, nhiều hơn một lần so với cùng kỳ năm 2017. Cả năm 2018, chỉ số này 64 lần biến động hơn 1%.
Dù vậy, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn còn những điểm sáng trong năm qua. Chỉ số S&P 500 thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay vào 20/9, trong khi chỉ số DJIA cũng lập kỷ lục vào 3/10. Hôm 26/12, DJIA cũng tăng hơn 1.000 điểm lần đầu tiên.
Theo CNN, sự biến động của thị trường năm qua được thúc đẩy bởi các dấu hiệu của suy thoái kinh tế toàn cầu, những lo ngại về chính sách tiền tệ, lạm phát và sự gia tăng quản lý lĩnh vực công nghệ.
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải (Trung Quốc) đã mất 25% năm 2018, khiến Trung Quốc trở thành thị trường chứng khoán lớn tệ nhất thế giới. Khoảng 2.400 tỷ USD vốn hoá trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị bốc hơi do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Khối lượng giao dịch trung bình hàng ngày trên cả hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến đã xuống 368 tỷ NDT (53,7 tỷ USD) năm 2018 – thấp nhất kể từ năm 2014.
Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn đã tìm cách tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc. Tổng cộng 75 quỹ tương hỗ chuyên đầu tư cổ phiếu tại đây đã giải thể năm nay. Đây là con số lớn nhất kể từ năm 2007.