Thị trường chứng khoán năm 2021 tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản

PV.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh trong năm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thể hiện được vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK), chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất những giải pháp giúp thị trường hoạt động ổn định, bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Ngày 30/12/2021, UBCKNN tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, 2021 là năm đầy biến động khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, TTCK Việt Nam đã đạt những thành quả nhất định. Theo đó, hệ thống giao dịch hoạt động thông suốt, thị trường hoạt động ổn định, tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô và thanh khoản, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, khẳng định vị trí, vai trò là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

Cụ thể, trên thị trường cổ phiếu, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đạt mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.

Số liệu của UBCKNN cũng cho thấy, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Từ giá trị giao dịch bình quân đạt mức 19.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 1, thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.000 tỷ đồng/phiên. Trong đó, riêng ngày 19/11/2021, thị trường cổ phiếu ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 56.105 tỷ đồng. Tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.564 tỷ đồng/phiên, tăng 258% so với bình quân năm 2020. Tổng mức huy động vốn trên TTCK trong 11 tháng đầu năm đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu chính phủ tăng 1,3% với giá trị đạt 301.017 tỷ đồng.

Một điểm nhấn khác trong năm 2021 là số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK tăng mạnh, qua đó góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Chỉ riêng trong 11 tháng qua, đã có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.

TTCK phái sinh đón nhận thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm. Thống kê cho thấy, nếu trong năm 2020, chỉ có 18 hợp đồng của sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm thì sang năm 2021, sự có mặt của sản phẩm mới đánh dấu sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư khi 1.172 hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm được giao dịch trong 3 tháng đầu sau khi niêm yết, OI có thời điểm lên tới 149 hợp đồng.

Thị trường trái phiếu niêm yết duy trì ổn định, quy mô niêm yết đạt hơn 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2020, trong đó quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu Chính phủ đạt 1,48 triệu tỷ đồng, chiếm 98,3% quy mô toàn thị trường. Giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 11,25 nghìn tỷ đồng tăng 9,7% so với năm 2020, trong đó giao dịch Repos chiếm 34% tổng giá trị toàn thị trường...

Về hoạt động quản lý quỹ và quỹ đầu tư chứng khoán, trong năm 2021, UBCKNN đã cấp phép tăng vốn điều lệ của 03 công ty quản lý quỹ và giải thể 01 quỹ. UBCKNN tiếp tục thực hiện tái cấu trúc khối các công ty quản lý quỹ, tăng cường công tác giám sát kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các công ty quản lý quỹ. Nhờ đó, hoạt động của công ty quản lý quỹ trong năm 2021 được duy trì ổn định, có sự tăng trưởng cả quy mô và kết quả hoạt động kinh doanh.

Về công tác quản lý hoạt động phát hành chứng khoán, quản lý công ty đại chúng, xem xét hoạt động kiểm toán, trong năm 2021, UBCKNN đã thực hiện thẩm định, xem xét 487 hồ sơ các loại liên quan đến chào bán, phát hành chứng khoán. Tổng số cổ phiếu đăng ký chào bán đạt hơn 16.330 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị hơn 177 nghìn tỷ đồng. UBCKNN cũng đã chủ trì, phối hợp với Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) rà soát, phân loại và đôn đốc các DNNN cổ phần hóa thuộc đối tượng phải đăng ký giao dịch UPCoM theo quy định. Về hoạt động kiểm toán, UBCKNN đã chấp thuận 33 công ty kiểm toán được thực hiện kiểm toán...

Về công tác giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, UBCKNN đã tăng cường triển khai các đoàn kiểm tra đột xuất giao dịch bất thường, xử lý nghiêm các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là giao dịch có dấu hiệu thao túng. Trong năm 2021, UBCKNN đã triển khai 01 đoàn thanh tra định kỳ, 06 đoàn kiểm tra định kỳ và 31 đoàn kiểm tra đột xuất. UBCKNN đã thực hiện kiểm tra 07 công ty chứng khoán theo chương trình kiểm tra định kỳ năm 2021 và kiểm tra 09 công ty chứng khoán liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Chứng khoán nói chung và TTCK nói riêng đã đạt được trong năm 2021. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, trong năm qua UBCKNN đã thể hiện được vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động thị trường, chủ động báo cáo, tham mưu, đề xuất, báo cáo Bộ Tài chính, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những giải pháp giúp TTCK hoạt động ổn định, bền vững...

Về các nhiệm vụ và giải pháp UBCKNN đề ra trong năm 2022, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đề nghị UBCKNN tổ chức đẩy mạnh thực hiện phổ biến Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn Luật đã được ban hành đến rộng rãi công chúng đầu tư, tăng cường công tác đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư. Đồng thời, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tái cấu trúc TTCK.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng yêu cầu UBCKNN chỉ đạo Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị thụ hưởng sớm hoàn thành đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động đồng bộ tại Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam. Tăng cường năng lực giám sát, quản lý và cưỡng chế thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với TTCK theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Trong đó, ưu tiên thiết lập các cơ chế giám sát, cảnh báo sớm, có kịch bản phòng ngừa khủng hoảng, đảm bảo hoạt động ổn định của khu vực tài chính quốc gia. Siết chặt kỷ cương kỷ luật của thị trường. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhất là trong hoạt động huy động vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thay mặt Ban Lãnh đạo UBCKNN, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, đồng thời khẳng định, trong năm tới, UBCKNN sẽ tiếp tục tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các bộ ngành liên quan triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đảm bảo duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của TTCK.

Trong năm 2021, UBCKNN đã trình Bộ ban hành 03 Thông tư hướng dẫn, bao gồm Thông tư số 51/2021/TT-BTC ngày 30/06/2021 về việc hướng dẫn nghĩa vụ của tổ chức, các nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài; Thông tư số 57/2021/TT-BTC ngày 12/07/2021 quy định lộ trình sắp xếp lại TTCK phái sinh và giao dịch các loại chứng khoán khác và Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/07/2021 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Đồng thời, UBCKNN cũng đang trình Bộ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.