Thị trường chứng khoán: Ngành “hot”... tỏa nhiệt!
(Tài chính) Những ngành kinh doanh được đánh giá sẽ rất triển vọng trong năm 2014 vì nhiều yếu tố khách quan chủ yếu từ chính sách và tác động thị trường quốc tế, tiếp tục “tỏa nhiệt” trong mùa đại hội đồng cổ đông thường niên đang diễn ra.
1. Dệt may: Nóng... trong mình
Không chỉ đầu năm nay mà ngay từ cuối 2013, với thông tin gần về đích của Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà dệt may là ngành đầu tiên được hưởng lợi về triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu trong nội khối TPP, ngành dệt may đã được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Vì thế, những kết quả kinh được dự báo tăng trưởng mạnh của DN thuộc ngành năm 2013 và cả quí I/2014 cũng phần nào được phản ánh đầy đủ vào giá cổ phiếu.
Xét trong 6 tháng tới 1 năm, TCM – CTCP Dệt May Đầu tư –Thương mại Thành Công (HSX) là một trong những DN Dệt May đã có mức giá cổ phiếu tăng khá ngoạn mục, đạt hơn 70%. Đặc biệt năm 2013, kỳ vọng của nhà đầu tư đã khiến TCM đứng dầu danh sách các cổ phiếu tăng trưởng nóng, đạt tới 264%. Mùa ĐHCĐ năm nay, TCM tiếp tục lên những con số ấn tượng: Tăng doanh thu 11% (2.823 tỷ đồng), tăng lợi nhuận 33% (164,4 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước. Với mục tiêu này, TCM khẳng định sẽ đeo đuổi con đường khai thác lợi thế hướng ra thị trường bên ngoài, có tỷ trọng xuất khẩu chiếm hơn 90% tổng doanh thu và nội địa chỉ chiếm 9% tại TCM.
Nếu nhìn xuyên suốt kết quả kinh doanh 3 năm TCM đã gánh lỗ 20 tỷ đồng ở 2012 và bật lên với 123,5 tỷ đồng ở 2013, đây quả là những con số tham vọng. Vậy điều gì khiến TCM tự tin?
Thứ nhất, TCM là DN có nội lực, tỏa nhiệt nóng từ chính bản thân mình: Theo Khối phân tích CTCK Maybank Kimeng VN, TCM đã có một thị trường vững chắc (với doanh thu xuất khẩu từ thị trường Hoa Kỳ chiếm 35%) Châu Âu (30%), Nhật Bản (25%) và Hàn Quốc (10%). 2/4 thị trường xuất khẩu chính của TCM là các nước hiện đang tham gia đàm phán hiệp định TPP (Hoa Kỳ, Nhật Bản). Do đó khả năng mở rộng hơn thị trường tại các quốc gia này trong thời gian tới khi TPP được ký kết là khá dễ dàng với TCM, đặc biệt khi Cty được đánh giá là một trong số ít các DN niêm yết đã đáp ứng đầy đủ nguyên tắc “xuất xứ hàng hóa từ sợi trở đi” để có thể hưởng trọn vọn các lợi ích về thuế do hiệp định TPP mang lại (với thuế suất bằng 0). Thứ hai, TCM đã sớm có bước chuẩn bị tăng năng lực sản xuất thông qua đầu tư nhà máy mới tại khu công nghiệp Vĩnh Long.
Việc chủ động trang bị cho mình mọi lợi thế về nguồn nguyên liệu, vốn để tăng năng lực sản xuất (TCM huy động tăng vốn năm 2013) và ổn định thị trường, trước khi được tận hưởng những lợi thế về chính sách trong tương lai, như vậy chính là “vũ khí” hạng nặng để TCM dù tăng trưởng nóng bỏng, vẫn tiếp tục được nằm trong danh sách hàng hóa khuyến nghị đầu tư dài hạn và còn… có cửa tăng.
Nhà đầu tư quan tâm cổ phiếu dệt May, hẳn sẽ dùng TCM - như một “chỉ số” - để soi các DN còn lại.
Tỷ trọng giao dịch của các ngành trên HNX và HSX |
2. Dầu khí: Hiếm có, khó tìm
Trên hai sàn chứng khoán, dầu khí là một trong những nhóm ngành đã giao dịch ổn định nhất ở năm 2013. Trong quí I/2014, tại HSX, dầu khí rơi vào 1 trong ba nhóm ngành có tỷ trọng giao dịch thấp. Nguyên nhân là tại HSX, sàn này tập trung một số DN Dầu khí mà hai trong số đó thuộc 2/3 DN dầu khí lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí PVN: Tổng Cty Phân bón và Hóa chất Dầu khí VN (DPM) và Tổng Cty khí VN (GAS). DN thứ nhất – DPM - có vốn chủ sở hữu Nhà nước do PVN nắm giữ 61%. DN này cũng có “truyền thống” xưa nay là “hữu hạn” khối lượng giao dịch, do cấu trúc cổ đông tập trung nắm giữ dài hạn. DN còn lại – GAS - có tỷ trọng niêm yết rất thấp (khoảng 3%), thuộc nhóm gây “lệch” chỉ số VN-Index nặng tay và cũng thuộc nhóm có thị giá cổ phiếu luôn ngất ngưỡng top đầu, khiến thanh khoản luôn xa tầm tay với của nhà đầu tư nhỏ.
Ngoài lợi thế kinh doanh “độc quyền” đến “bán độc quyền” trong lĩnh vực Khí-Đạm, 2 “ông vua” của 2 ngành thuộc họ PV kể trên còn chung một đặc điểm trong kế hoạch 2014 vô cùng hấp dẫn: Hào phóng trả cổ tức khủng cho cổ đông.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ 2014 của GAS, kế hoạch chia trả cổ tức năm 2013 là 42%/mệnh giá. Đây là mức cổ tức đề xuất hơn gấp đôi kế hoạch ĐHĐCĐ giao (kế hoạch 20%/mệnh giá), và cao hơn tuyệt đối 12%/mệnh giá so với kế hoạch ban lãnh đạo GAS đề ra để phấn đấu (phấn đấu 30%/mệnh giá). Tức GAS sẽ dành 4,196 tỷ đồng để giải quyết chia trả cổ tức cho cổ đông.
Vượt mặt người anh em cùng họ, DPM thậm chí còn nâng mức chia trả cổ tức lên gấp đôi so với cổ tức của chính mình năm 2013 là 25%, đạt tới 50%. Tuy đây không phải là lần đầu DPM có mức chia trả cổ tức cao ngất như vậy (năm 2012 DPM đã trả cổ tức 42%), song với chi tiết chia trả bằng tiền mặt, cổ đông của DPM hẳn 100% đều nở nụ cười “bội thu” như tinh thần hoạt động của chính Tổng Cty. Trên 1.800 tỷ đồng là số tiền sẽ được DPM chia cho các cổ đông trong năm nay.
Vì đây là những DN lớn, lợi thế riêng biệt và mục tiêu doanh thu đều ở top câu lạc bộ vạn tỷ đồng nên triển vọng kinh doanh là điều không cần bàn cãi. Duy nhất đáng lưu ý, số cổ đông lớn nhất được thụ hưởng thành tựu vàng của những DN dầu khí kể trên, không ai xa lạ mà chính là PVN! Do vậy sàng lọc trong số các DN thuộc họ PV còn lại – những DN vẫn còn được hưởng lợi thế kinh doanh độc quyền hoặc bán độc quyền – với room đại chúng nới rộng, sẽ là lựa chọn dễ dàng hơn cho những nhà đầu tư theo đuổi danh mục ngành này.
3. Thủy sản: Điều chỉnh theo... M&A
Không được đánh giá cao như dệt may hay dầu khí, thủy sản được nhiều CTCK xếp vào nhóm ngành trung bình trong năm nay. Thực tế các kế hoạch 2014 của những DN ngành thủy sản cũng đang cho thấy DN ngành đang đối mặt với một số khó khăn. Chẳng hạn như với CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG), DN dẫn đầu xuất khẩu cá tra và basa của VN ra quốc tế, bên cạnh tiềm năng tăng trưởng nhờ gặt hái một số kết quả từ kế hoạch M&A vừa thực thi trong ba năm qua, hiện cũng đang là DN đối mặt với nguy cơ rủi ro lớn nhất từ thị trường Mỹ do quyết định áp thuế chống bán phá giá DOC.
Cổ đông của HVG hiện cũng đang rất nóng lòng với chính HVG vì những biến động xoay quanh DN này thời gian gần đây, khi SSI, một trong những cổ đông lớn và có vai trò lớn trong hành trình tăng trưởng M&A của HGV suốt nhiều năm qua, vừa rút lui nhường đường cho một cổ đông mới khác. Chưa biết ông chủ HVG Dương Ngọc Minh sẽ đi bước tiếp theo như thế nào nhưng ít nhất việc tiếp tục theo đuổi M&A thông qua bỏ tiếp 182 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại hai Cty con chuyên thức ăn và xuất khẩu vào thị trường Mỹ, trước mắt tạm thời củng cố tinh thần của các cổ đông HVG.
Một nguồn tin riêng của DĐDN cho biết không chỉ HVG đang theo kế hoạch M&A tuyến tính đã định, bất chấp những nguy cơ hay rủi ro về nợ tiềm tàng và điều chỉnh chính sách của các thị trường xuất khẩu, mà ngay cả những DN thủy sản trước nay chưa hề nghĩ đến chuyện bán mình hay tìm người mới, với các chính sách ngày càng nghiệm nhặt của các thị trường xuất khẩu tạo “rào” nhập khẩu và sự “bành trướng” khá thành công của HVG để tạo lợi thế chuỗi giá trị cung ứng khép kín, cùng sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành thủy sản, họ sẽ phải tính toán lại câu chuyện tăng trưởng và mở rộng quy mô của DN theo cách thức của HVG: Cửa M&A.