Thị trường chứng khoán tháng 5/2025: Tan sương mù, lộ ánh sáng hy vọng

Minh Lâm

Dưới ánh sáng của kinh tế vĩ mô và dòng tiền đầu tư công, hệ thống KRX “go-live” thành công, thị trường chứng khoán tháng 5/2025 đang lấy lại nhịp hồi phục tích cực, sau nhiều biến động.

Vượt sóng, ngược gió, VN-Index lại tìm về nhịp tăng tích cực nhờ các yếu tố hỗ trợ đến từ vĩ mô, công nghệ mới.
Vượt sóng, ngược gió, VN-Index lại tìm về nhịp tăng tích cực nhờ các yếu tố hỗ trợ đến từ vĩ mô, công nghệ mới.

“Bóng tối” thuế quan khiến nhà đầu tư hoang mang

Sau thông báo Hoa Kỳ áp thuế đối ứng lên Việt Nam, chỉ số VN-Index đã có lúc ghi nhận mức giảm 18,5% chỉ trong 4 phiên giao dịch (giai đoạn từ ngày 02/04 đến 09/04). Tuy vậy, thị trường đã nhanh chóng tìm thấy vùng hỗ trợ phù hợp tại 1.100 điểm cùng với thông tin Tổng thống Trump tạm hoãn áp thuế đối ứng, đưa mức thuế nhập khẩu về mức tối thiểu 10% đối với Việt Nam.

Đà phục hồi sau đó đã được tiếp diễn với động lực tăng trưởng đến từ các yếu tố nội địa như vùng định giá hấp dẫn so với mức bình quân 10 năm gần nhất và bối cảnh vĩ mô trong nước ổn định với mục tiêu thúc đẩy đầu tư công và tăng trưởng tín dụng.

Tuy vậy, đà phục hồi ở ba tuần gần nhất cho thấy sự phân hóa về dòng tiền khi sự thận trọng vẫn mang tính áp đảo so với bình diện chung và nhóm bất động sản với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Vingroup (VIC, VHM, VRE) là những nhân tố hiếm hoi khi hoàn toàn xóa bỏ mức giảm điểm trước đó và đóng góp vào đà tăng chung của thị trường.

Kết thúc tháng 4/2025, VN-Index giảm hơn 80 điểm và đóng cửa tại 1.226,3 điểm, giảm 6,16% so với tháng trước, với phần lớn áp lực giảm điểm đến từ nhóm Ngân hàng.

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, sự kiện “thiên nga đen” mang tên thuế quan phần nào là yếu tố cần thiết giúp đẩy nhanh quá trình điều chỉnh của VN-Index, đưa thị trường về vùng cân bằng mới sau nhiều tháng biến động quanh ngưỡng 1.200 – 1.300 điểm trong khi đồng thời hạ nhiệt đà tăng của một số cổ phiếu ngành Ngân hàng vốn đã và đang giao dịch tại vùng đỉnh lịch sử.

Nhờ lực cầu đến từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước, diễn biến của thị trường trong tháng 4/2025 phần nào dần ổn định trở lại. Trong đó, mức độ biến động của thị trường thể hiện qua nhịp phục hồi hình chữ V khiến thanh khoản tăng mạnh so với tháng trước, với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân đạt khoảng 21,8 nghìn tỷ đồng mỗi phiên, tăng 20,3% so với tháng trước.

Nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước bán ròng khoảng 9 nghìn tỷ đồng trong tháng 4/2025, nâng tổng giá trị bán ròng tính đến ngày 25/04 lên 5,56 nghìn tỷ đồng. Trong đó, khối tự doanh ghi nhận giá trị bán ròng 2 nghìn tỷ đồng trong cùng giai đoạn; sau khi thực hiện mua ròng 2,2 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 31/03 – 04/04 khi thị trường giảm mạnh (bắt đáy), khối này sau đó đã chuyển sang trạng thái chốt lời trong các tuần tiếp theo, với áp lực bán chủ yếu tập trung tại ngành ngân hàng (-1.000 tỷ đồng), công nghệ thông tin (-548 tỷ đồng) và nguyên vật liệu (-400 tỷ đồng).

Bước qua màn sương

Bước sang tháng 5/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần thoát khỏi giai đoạn khó khăn, với nhiều yếu tố hỗ trợ tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh quý I/2025 khởi sắc, chính sách đầu tư công và kỳ vọng nâng hạng thị trường. Mới đây, thông tin Hệ thống công nghệ mới (KRX) vận hành ổn định và thông suốt cũng có tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Mirae Asset nhận định, VN-Index sẽ tiếp tục đà phục hồi trong tháng 5. Tâm lý thị trường được kỳ vọng sẽ trở nên tích cực hơn khi thị trường bước vào giai đoạn ổn định hơn, với các quốc gia bắt đầu tham gia đàm phán thuế quan, qua đó có thể làm giảm tần suất các thông tin khó lường từ phía Hoa Kỳ. Tại thị trường trong nước, tâm lý nhà đầu tư dự kiến sẽ được củng cố bởi thông tin hệ thống giao dịch KRX go-live thành công.

Tuy vậy, mức độ biến động hiện tại cùng với sự bất định về mặt thông tin có thể làm gia tăng tần suất các phiên giao dịch tăng giảm bất thường, có khả năng khiến thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.180 – 1.200 điểm trước khi tiếp diễn xu hướng phục hồi và hướng về ngưỡng kháng cự 1.280 điểm.

Thanh khoản dù được cải thiện trong quý I/2025, song phần lớn mức tăng này diễn ra sau khi VN-Index bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm, kéo theo tâm lý chốt lời dần hình thành khi chỉ số gặp khó tại vùng kháng cự 1.300 – 1.330 điểm. Thêm vào đó, tâm lý thận trọng gia tăng trước thềm Hoa Kỳ công bố thuế đối ứng cũng góp phần khiến thanh khoản tăng cao nhưng thị trường gần như không ghi nhận các nhịp tăng điểm đáng kể. Điều này phần nào được lý giải bởi nhu cầu tiếp cận vốn của doanh nghiệp thông qua hoạt động cầm cố tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu tại các công ty chứng khoán, trong bối cảnh thị trường vốn trái phiếu doanh nghiệp còn hạn chế và việc tiếp cận tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Chứng khoán Mirae Asset cũng cho rằng, hiện vẫn còn khá sớm để khẳng định các rủi ro đến từ tác động thuế quan trong thời gian tới. Lý do là, thị trường Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu tốt trước sự kiện thuế đối ứng; mặc dù trải qua đợt sụt giảm mạnh và nhanh chóng 18,5% trong giai đoạn từ 02/04 đến 09/04, thị trường đã phục hồi nhanh chóng sau đó, giảm thiểu rủi ro bán giải chấp trên diện rộng trong kịch bản thị trường mất thanh khoản.

Bên cạnh đó, các đợt giảm sàn liên tiếp từ 3 đến 4 phiên là tương đối hiếm đối với thị trường Việt Nam. Nếu loại bỏ giai đoạn 2000 - 2002 thì lần gần nhất VN-Index ghi nhận diễn biến tương tự là khi dịch COVID-19 mới bùng phát. Hơn nữa, các công ty chứng khoán đã rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng thanh khoản năm 2022 (gây ra bởi vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và việc Fed tăng lãi suất) và đã triển khai các biện pháp quản trị rủi ro tăng cường.