Thị trường chứng khoán toàn cầu có “ngôi sao” mới về IPO
Hiện đang có quá nhiều yếu tố giúp Ấn Độ thu hút hàng loạt các vụ IPO của doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ.
Mumbai (Ấn Độ) nhiều khả năng sẽ dẫn đầu thế giới về số lượng các vụ niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Số lượng các vụ IPO trên hai sàn chứng khoán tại Mumbai cao hơn bất kỳ trung tâm tài chính nào tại Trung Quốc.
Dự kiến, trong năm nay, số lượng các vụ IPO trên Sở Giao dịch Chứng khoán Ấn Độ và Sở Giao dịch Chứng khoán Bombay - cả hai đều có trụ sở tại Mumbai, nhiều khả năng đã tăng khoảng 45% lên 209 vụ, theo tính toán của công ty kiếm toán quốc tế EY.
Còn tại Trung Quốc, số lượng các vụ IPO tại sàn Thâm Quyến ước tính giảm khoảng 33% xuống 126 vụ, tại Thượng Hải giảm 36% xuống 99, tại Hồng Kông giảm 19% xuống 61 vụ.
Các sàn giao dịch của Ấn Độ vẫn thua Trung Quốc đại lục về giá trị trung bình các vụ IPO, tuy nhiên riêng với năm nay, số lượng các vụ IPO mới tại sàn Ấn Độ nhiều khả năng sẽ huy động được nhiều tiền hơn so với Hồng Kông.
Thực tế này phản ánh cho “sức mạnh” của kinh tế Ấn Độ, nó là kết quả trực tiếp từ việc chính phủ Ấn Độ vận động phát triển hạ tầng mới cũng như nhu cầu của nhà đầu tư với cổ phiếu tăng cao.
Giám đốc bộ phận IPO khu vực châu Á - Thái Bình Dương của EY, ông Ringo Choi, nhận xét, Ấn Độ đã có nhiều dấu hiệu tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt nhờ vào dân số trẻ và lực lượng lao động đầy tiềm năng.
So với một thập kỷ trước, hạ tầng của Ấn Độ đã phát triển và cải thiện đáng kể. "Tôi tin thị trường IPO của Ấn Độ sẽ dần dần tăng trưởng”, giám đốc bộ phận IPO khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại EY – ông Ringo Choi phân tích.
Nhu cầu IPO tại Ấn Độ của doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp có giá trị vốn hóa nhỏ, cao đến nỗi khiến nhiều chuyên gia phân tích lo ngại.
Trưởng bộ phận nhà đầu tư tổ chức tại công ty dịch vụ tài chính Ambit, ông Nitin Bhasin, cho biết ông lo ngại về khả năng thị trường tài chính nước ông đang đương đầu với tình trạng bong bóng giống như thời kỳ từng diễn ra trên thị trường Mỹ thời điểm năm 1996.
“Tâm lý điên cuồng với IPO sẽ có thể tiếp diễn khi thừa thanh khoản trên thị trường nội địa, nhiều nhà đầu tư tìm đến các cổ phiếu có giá trị vốn hóa nhỏ.
Cơn sốt với các cổ phiếu thanh khoản nhỏ và vừa hiện đang khiến cho nhiều doanh nghiệp nhỏ chạy đua niêm yết, tuy nhiên, nhiều công ty bị định gia cao quá mức”, ông Bhasin nói.
Ấn Độ đồng thời hưởng lợi từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu ngay cả sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngặt nghèo được gỡ bỏ. Chỉ số Sensex của thị trường chứng khoán Ấn Độ đã tăng 10,3% từ đầu năm đến ngày 1/12.
Trong cùng khoảng thời gian trên, chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc đã giảm 10,4% còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông mất 16,5% giá trị.
Trong báo cáo công bố tuần trước, chủ tịch bộ phận tín nhiệm tại S&P Global, ông Eunice Tan khẳng định: “Động lực tăng trưởng châu Á – Thái Bình Dương sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Nam và Đông Nam Á”.
Ông Tan dự báo, kinh tế Ấn Độ nhiều khả năng sẽ tăng trưởng đến 7% trong năm 2026, còn với các nền kinh tế như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Indonesia lần lượt là 4,6%; 6,8%, 6,4% và 5%.
EY dự báo Hồng Kông sẽ đứng thứ sáu về huy động vốn trong năm nay, tổng số tiền huy động được trong năm nay giảm 58% xuống 5,3 tỷ USD. Như vậy, Hồng Kông sẽ đứng sau Ấn Độ với tổng số tiền huy động đạt khoảng 6,6 tỷ USD - lần đầu tiên từ khi Daelogic bắt đầu tính toán số liệu về Ấn Độ năm 2003.
Trong 15 năm trước, Hồng Kông đã đứng đầu thị trường IPO toàn cầu trong 7 năm, nguyên nhân chính là bởi hàng loạt đợt IPO quy mô rất lớn của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia phân tích của EY, thị trường IPO Hồng Kông chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang, nỗi lo về kinh tế Trung Quốc đại lục cũng như việc Trung Quốc hạn chế đầu tư ra nước ngoài.
Ngoài ra phải kể đến một cú sốc khác khi mà tập đoàn Alibaba trì hoãn việc niêm yết cổ phiếu của hai doanh nghiệp thành viên bao gồm Alibaba Cloud và Hema Fresh.
Số lượng các vụ IPO tại Trung Quốc đồng thời giảm sâu tính từ cuối tháng 8/2023, khi cơ quan quản lý ngành chứng khoán Trung Quốc cố gắng “cứu” thị trường chứng khoán đang trì trệ bằng việc áp dụng biện pháp hạn chế cổ phiếu mới chào sàn.
Trong tháng 11/2023, chỉ có 17 vụ IPO doanh nghiệp, giảm đáng kể so với con số 33 vụ vào tháng 8/2023.