Thị trường chứng khoán Việt Nam: Dòng tiền trở lại!

Theo VnEconomy và tổng hợp của BTV

Thông tin GDP năm 2009 của Việt Nam đạt 5,32%, cao hơn dự kiến trước đó; Chính phủ quyết định tạm chấm dứt hoạt động của sàn vàng từ 30/3/2010 và nhiều khả năng nhà đầu tư được bán cổ phiếu ngày T+2 ngay trong tháng 1/2010 đã khiến TTCK Việt Nam dậy sóng. Dòng tiền lớn đã trở lại, nhất là hệ khi số P/E đang hấp dẫn và các ngân hàng nối lại hoạt động cho vay...

Khởi sắc đầu xuân

Sau kỳ nghỉ lễ, nhà đầu tư bước vào phiên giao dịch đầu tiên của năm mới. Lịch sử thị trường không ủng hộ cho một phiên tăng điểm, bởi tất cả các phiên khởi đầu của năm 2009, 2008, 2007… VN-Index đều giảm.

Đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Năm nay bối cảnh thị trường hoàn toàn khác, nhiều yếu tố đang hỗ trợ.

Trước hết, đây là thời điểm các 7 tập đoàn, tổng công ty bắt đầu bán lại ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng theo văn bản Ngân hàng Nhà nước ban hành tuần qua. Thông tin đóng cửa các sàn vàng trong vòng 3 tháng tới được biết đến trên diện rộng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có tuần bình ổn hơn. Tổng cục Thống kê chính thức công bố tăng trưởng GDP năm 2009 vượt mục tiêu…

Trong những yếu tố tích cực trên, thông tin đóng cửa các sàn vàng được quan tâm hơn cả. Nhà đầu tư chứng khoán kỳ vọng một phần nguồn tiền ở kênh đầu tư đó chuyển sang, tạo thêm nguồn lực mới.

Về dòng tiền trên, một số quan điểm cho rằng vẫn còn một thời gian tương đối để có sự dịch chuyển. Theo đó, diễn biến giao dịch thời gian tới tại các sàn vàng được đặc biệt chú ý. Nhưng hẳn đang có những đồng tiền đi trước trong sự dịch chuyển này, đi cùng với nhận định cơ hội mua vào trên sàn chứng khoán những phiên đầu năm. Đó là một thuận lợi.

Nhưng phiên điều chỉnh liền trước trên HOSE cùng lực bán mạnh của tổ chức là điểm được lưu ý. Có thể xem đó là hoạt động chốt lời chạy thuế, hoặc khóa sổ năm 2009. Và cũng là bình thường khi các tổ chức dùng chính nguồn tiền vừa bán để mua lại thời điểm này với giá cao hơn, bắt đầu kế hoạch đầu tư của năm 2010.

HOSE mở cửa khá cởi mở: gần 3 triệu đơn vị và 137,8 tỷ đồng giá trị qua đợt 1; VN-Index chính thức vượt mức 500 điểm, tăng gần 7 điểm. Chỉ số đã đảo chiều và thanh khoản tiếp tục tốt là sự khởi đầu được chờ đợi. Không mất nhiều thời gian, HOSE bước với đợt khớp lệnh liên tục với không khí sôi động và hứng khởi.

Đã hơn hai tháng qua thị trường mới có được một phiên giao dịch hưng phấn đến như vậy. Giá chứng khoán lớn nhỏ đồng loạt tăng mạnh; các chỉ số thẳng tiến và vững chắc. Khối lượng toàn phiên trên cả HOSE và HNX đều giảm khá mạnh so với phiên đóng cửa năm trước do thế kìm hàng thể hiện rõ nét, thậm chí nhiều cổ phiếu đã có hiện tượng ngừng trệ giao dịch từ giữa phiên.

Phiên ngày 4/1/2010, VN-Index tăng tới 4,5%, HNX-Index tăng tới 6,94%. Không có biên độ cho chỉ số, nhưng đó là những tỷ lệ gần như tối đa và hiếm thấy. Qua phiên này VN-Index đã đạt 517,05 điểm, HNX-Index đạt 179,84 điểm. Cả hai sàn đều có khoảng 90% mã tăng trần. Tiếp nối với phiên chào năm 2010 đầy ấn tượng, phiên giao dịch ngày 5/1/2010, thị trường tăng mạnh 2,99% lên 532,2 điểm với trên 4.000 tỷ đồng giá trị. Điều này chứng tỏ dòng tiền đã thực sự trở lại đưa thị trường lên những kỳ vọng mới!

Nền tảng chính sách
Những chính sách phản ánh những thay đổi của nền kinh tế được thị trường phản ánh chân thực và khá rõ nét. Các chuyển biến của chính sách đang diễn ra: từ nới lỏng tiền tệ sang điều tiết và kiểm soát chặt chẽ hơn; từ hỗ trợ tăng trưởng về “lượng” sang ổn định kinh tế và phát triển về “chất” cho giai đoạn tiếp theo của nền kinh tế.

Với những chính sách điều chỉnh được đưa ra trong tháng cuối cùng của năm 2009, thị trường chứng khoán chờ đợi một chu kỳ tăng trưởng mới trong năm 2010.

Những chỉ tiêu vĩ mô chính của năm 2009 đã khái quát khá rõ nét bức tranh kinh tế của năm 2009. Kinh tế đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, tuy vậy, các nhân tố rủi ro tiềm ẩn và thách thức của giai đoạn tới vẫn là những điều khó dự đoán.

Có thể thấy, với mức tăng trưởng GDP cả năm 2009 đạt 5,32%, tốc độ tăng trưởng kinh tế đã vượt qua giai đoạn suy giảm. Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào các yếu tố về “lượng”, nhất là tăng vốn đầu tư, chứ chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng “chất” cho tăng trưởng như năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tỷ lệ đầu tư so với GDP năm 2008 là 41,3%, năm 2009 là 42,8%, nhưng tốc độ tăng GDP tương ứng chỉ đạt 6,23% và 5,32% là chưa tương xứng.

Với tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm 2009, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2010 sẽ bị hạn chế bớt. Bên cạnh đó, với hàng loạt các biện pháp kích cầu trong năm 2009, thâm hụt ngân sách trở thành vấn đề đáng lo ngại và có thể tác động tạo ra những diễn biến khó dự đoán của lạm phát trong năm 2010.

Nếu xuất khẩu chưa có khả năng hồi phục mạnh trong năm 2010, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đương đầu với tình trạng “thâm hụt kép” bao gồm cả thâm hụt thương mại và thâm hụt cán cân thanh toán. Và như vậy, các thay đổi trong chính sách sẽ tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với những biến động của nền kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định cả về chất và lượng.

Bước chuyển tháng 1

Trong tháng 1/2010, nhiều thông tin sẽ có tác động lớn đến các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bao gồm:

Một là, thuế thu nhập cá nhân đối với chứng khoán chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2010.

Hai là, cấm hoạt động của sàn vàng kể từ tháng 3/2010. Ba là, kết quả kinh doanh quý 4/2009 và cả năm 2009 của các doanh nghiệp.

Bốn là, tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng trong tháng 1/2010 của hệ thống ngân hàng.

Năm là, diễn biến lãi suất liên ngân hàng cho biết mức độ căng thẳng thanh khoản của hoạt động ngân hàng.

Với việc lãi suất cơ bản tiếp tục được giữ nguyên ở mức 8%/năm trong tháng 1/2010, các khó khăn của hệ thống ngân hàng trong việc huy động vốn và cân đối nguồn vốn vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để giải ngân vào kênh chứng khoán sẽ không đáng kể do khối ngân hàng sẽ tập trung giải ngân phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vào dịp trước Tết Nguyên đán.

Dòng tiền thực và việc đầu tư theo kết quả kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và giữa các cổ phiếu trong cùng nhóm ngành với nhau.