Phá “băng” bất động sản 2020: Nhìn từ kịch bản 2011 - 2013

Theo Triệu Vương/reatimes.vn

Sự xuất hiện của dịch Covid-19 đã đẩy thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng” tại nhiều phân khúc. Các chuyên gia cho rằng, thị trường cần các giải pháp nhằm gỡ “băng” cho lĩnh vực này.

 Để phá "băng" thị trường bất động sản cần nhiều chính sách hỗ trợ. Nguồn: internet
Để phá "băng" thị trường bất động sản cần nhiều chính sách hỗ trợ. Nguồn: internet

Chìa khóa tháo gỡ khó khăn thị trường 2011 - 2013

Sự đóng băng của thị trường bất động sản 2020 khiến giới đầu tư liên tưởng tới kịch bản năm 2011 - 2013. Đó là thời điểm thị trường ghi nhận hoạt động giao dịch giảm sút mạnh mẽ, lượng cung tồn đọng lớn. 

Nhìn lại lần “đóng băng” trên thị trường cách đây gần 10 năm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm đó, để cứu thị trường, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ.

Theo ông Đính, một nguyên nhân khiến thị trường đổ vỡ đến từ tình trạng thừa cung, thiếu cầu. Các sản phẩm bất động sản tung ra thị trường có giá trị lớn, không đáp ứng vừa nguồn tiền của người dân. Để giải cứu thị trường, Nhà nước đã đưa ra Nghị quyết 02. Chính sách này cho phép giải quyết toàn bộ hàng tồn kho bất động sản khi cho phép chia tách căn hộ lớn thành nhỏ, nhằm tạo ra sản phẩm vừa túi tiền của người dân, dễ thanh khoản.

Một giải pháp cứu thị trường khác mà ông Đính đưa ra, đó là gói kích cầu 30.000 tỷ đồng dành cho người người thu nhập thấp từ Nhà nước. Ông Đính cho rằng, thị trường thiếu gì thì Nhà nước cần khuyến khích sản phẩm đó. Với gói kích cầu 30.000 tỷ, nhu cầu mua nhà để ở trở nên nhộn nhịp, sôi động trở lại. Thị trường từ đó cũng bắt đầu phục hồi.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng từng cho rằng, sự phục hồi của thị trường năm 2013 đến môt phần từ các quy định pháp luật thay đổi vừa chặt chẽ vừa mở rộng. Điển hình như luật cho phép người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam là một đột biến lớn, tạo ra lực đẩy cho thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ và tín dụng như giảm lãi suất, giảm hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản như giảm hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản xuống còn 150%, cho phép sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn lên mức trần đối đa 60% năm 2014 góp phần phá băng thị trường.

Thị trường bất động sản 2020: Gỡ ra sao?

Nhận định về thị trường bất động sản 2020, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng đây sẽ là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp phát triển, cung ứng bất động sản. Bởi, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ mất thanh khoản, thậm chí mất khả năng thanh toán.

Theo ông Thành, để hỗ trợ thị trường bất động sản cần các chính sách cụ thể liên quan đến vấn đề tín dụng, hỗ trợ lãi suất.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, sự đóng băng của thị trường bất động sản 2020 là sự tiếp nối của một chu kỳ vận động. 

Thế nên theo ông Hiển, trong trường hợp Chính phủ triển khai hạ tầng ở mức hợp lý trong 2 năm 2020 - 2021 và vẫn sử dụng kiểm soát tiền tệ thận trọng ở mức tăng tín dụng khoảng 12 – 15%, thị trường sẽ suy giảm nhẹ và tăng trưởng trở lại vào năm 2021. 

Ở trường hợp khác, thị trường sẽ tăng theo sóng trong thời gian ngắn rồi sẽ gặp biến động lớn. Kịch bản này xảy ra trong trường hợp Chính phủ đẩy mạnh giải ngân tiền đền bù các dự án hạ tầng, cung tiền mạnh cho đầu tư công qúa mức và tăng tín dụng trên 17% để hỗ trợ kinh tế vượt qua dịch Covid-19.

Còn ông Đính cho rằng, với những tháo gỡ luật pháp từ đầu năm 2020, cùng việc kiểm soát Covid-19, thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc trở lại. Tín hiệu tích cực của kịch bản giai đoạn này đó chính là sự “trưởng thành” của các chủ thể tham gia thị trường. Chính phủ trong vai trò điều tiết đã đưa ra quyết sách đúng và trúng với thị trường. Các nhà đầu tư đều tỉnh táo và lựa chọn thông tin hợp lý. Các doanh nghiệp địa ốc cũng tính toán kỹ lưỡng tới cơ cấu sản phẩm, đáp ứng hợp lý nhu cầu của người tiêu dùng. Những yếu tố này giúp thị trường bất động sản được giải quyết tốt hơn.

Bên cạnh đó, ông Đính đề xuất, để giải quyết hàng tồn dư lớn từ phân khúc cao cấp cần nới rộng room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ lên tới 40 - 50% số căn hộ của dự án. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn của thị trường trong giai đoạn hiện nay.