Thị trường bất động sản Hậu Giang: Nhiều tiềm năng phát triển

Theo Ngọc Hưởng / Báo Hậu Giang

Những năm qua, Hậu Giang đã nắm bắt thời cơ, bứt phá vươn lên trở thành điểm sáng phát triển đô thị của khu vực.

Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2. Ảnh: Ngọc Hưởng
Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2. Ảnh: Ngọc Hưởng

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) đang trở thành điểm sáng mới khi mạng lưới giao thông nội vùng và liên vùng đang được tập trung nguồn lực đầu tư, rút ngắn thời gian di chuyển giữa khu vực kinh tế Đông Nam bộ, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng.

Hậu Giang được hưởng lợi lớn nhờ vào phát triển hệ thống giao thông vùng và theo phê duyệt tuyến đường cao tốc tới đây có đến 50% chiều dài trục đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang - đây là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh.

Hậu Giang - “Miền đất lành” bên dòng Xà No đang thu hút nhiều doanh nghiệp địa ốc quan tâm như: Cát Tường Group, FLC, Đất Xanh, Vingroup, DIC Group,… Tất cả kỳ vọng sẽ trở thành đô thị giao thương, điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Năm năm qua, Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) đã phát triển tại khu vực ĐBSCL 7 dự án với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD, phần lớn tập trung tại Hậu Giang, Long An. Cung cấp ra thị trường hơn 8.000 sản phẩm.

Tại Hậu Giang, tập đoàn này đã đầu tư Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 1 có diện tích đất quy hoạch 20ha và Khu đô thị Cát Tường Western Pearl 2, quy mô 60ha nằm ngay trung tâm thành phố Vị Thanh, tạo điểm nhấn cho vùng đất trẻ.

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn Địa ốc Cát Tường, chia sẻ: “Hậu Giang như một chân trời mới với các nhà đầu tư bất động sản. Không gian rộng rãi, chính quyền địa phương thân thiện, tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp, nhất là người dân rất ủng hộ. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế của địa phương rất nhanh, người dân có thu nhập khá nhất là giới trẻ, đầu tư mua nhà”.

Nhận định của các chuyên gia cho thấy, xu hướng nhà ở trong tương lai không chỉ là tiện nghi, sang trọng mà còn phải mang đến môi trường sống hoàn chỉnh đi kèm với các dịch vụ tiện ích tại chỗ cho người dân.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính - ngân hàng, chia sẻ: Hậu Giang và một số tỉnh khác ở ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, các dự án bất động sản tại đây vẫn còn ít trong khi nhu cầu người dân trong vùng còn cao. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đặc biệt tính lan tỏa kết nối phát triển kinh tế khu vực đang được chú trọng, bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp sẽ có nhiều lợi thế phát triển trong tương lai”.

Chính sách kêu gọi đầu tư thông thoáng, thuế, thủ tục hành chính đơn giản, tinh gọn... tất cả đã và đang giúp Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản. Trong đó, các chuyên gia dự báo, các thị trường bất động sản nông nghiệp, du lịch và nhà ở sẽ là những điểm sáng trước mắt tại ĐBSCL khi mà nền kinh tế của khu vực tiếp tục tăng trưởng tốt và mạng lưới giao thông ngày càng cải thiện.

Chương trình phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,5m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm của tỉnh giai đoạn 2020-2025 đạt 3,87 triệu m2 sàn. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30m2/người; tổng diện tích nhà ở tăng thêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2026-2030 đạt 3,56 triệu m2 sàn. Nhu cầu nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà ở trong 10 năm tới hơn 55.366 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Diên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh chia sẻ, bên cạnh những ưu đãi theo quy định của Chính phủ, các thủ tục hành chính được rút ngắn tối đa so với quy định tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp…

Để mở mang đô thị, tỉnh Hậu Giang xác định nguồn lực, lựa chọn các công trình, dự án có ý nghĩa động lực để triển khai đầu tư có hiệu quả. Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống các tiêu chí đô thị. Chủ động tạo quỹ đất để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển các dự án đô thị, nhà ở, thương mại, các ngành công nghiệp thông minh, dịch vụ và các dự án hạ tầng quan trọng.

Cùng với đó, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị nhằm kết nối hợp tác giữa tỉnh Hậu Giang với các tỉnh ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác quản lý, kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch, không để xảy ra tình trạng đầu tư tự phát, phong trào, dẫn đến lãng phí, thất thoát các nguồn lực xã hội.

Quan điểm của lãnh đạo tỉnh trong phát triển đô thị là phải lấy con người làm trung tâm; phát triển đô thị phải thật sự bền vững, thích ứng với tự nhiên và các đô thị của tỉnh phải mang đặc sắc của vùng đồng ĐBSCL. Tất cả hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho người dân.

“Hậu Giang đã và đang có những bước đi căn cơ và nhiều kế hoạch mới để nâng tầm, phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh mang sắc thái vùng sông nước. Tỉnh cam kết đồng hành với các nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi và rút ngắn thời gian để dự án sớm được triển khai trên địa bàn tỉnh. Đây là việc làm thiết thực và là mục tiêu trong quá trình phát triển địa phương”, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết thêm.

Từ 1 đô thị loại IV, 8 đô thị loại V năm 2004 nay tăng lên 18 đô thị gồm 1 đô thị loại II (thành phố Vị Thanh), 2 đô thị loại III (thành phố Ngã Bảy và thị xã Long Mỹ) và 15 đô thị loại V (trong 15 đô thị loại V có 4 đô thị chưa công nhận thị trấn). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh hiện 28,3%, tăng hơn 10% so với năm 17 năm trước. Chương trình phát triển được duyệt 10 năm tới, nâng lên 19 theo hướng đô thị xanh miền sông nước.