Thị trường tiền tệ: Điểm nhấn và bài học kinh nghiệm
Sự thành công của chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện mức độ xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong đánh giá của các tổ chức tài chính quốc tế.
7 điểm nhấn
Kiểm soát lạm phát: Từ năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã luôn kiên định theo mục tiêu là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đồng thời chú trọng bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng. Nhờ đó, lạm phát đã được kiểm soát ở mức cao 18,13% năm 2011 xuống ổn định bền vững một con số: dưới 3%.
Ổn định tỷ giá: Tỷ giá là một trong những thành công trong điều hành chính sách của NHNN thời gian qua. Tỷ giá và thị trường ngoại hối từ năm 2012 đến nay cơ bản ổn định, thị trường ngoại tệ tự do bị thu hẹp, vị thế và lòng tin vào VNĐ ngày càng được củng cố. Tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh, NHNN đã mua được ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Lãi suất hợp lí: Nếu năm 2011, lãi suất từ 20% - 25%, thì nay lãi suất cho vay giảm xuống, ngắn hạn vào khoảng 6% - 9%, trung và dài hạn 9-11%. Mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức hợp lý; lãi suất huy động giảm, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế tiếp tục được giảm xuống, với mức hiện nay chỉ bằng khoảng 40% lãi suất của nửa cuối năm 2011. Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt mức hợp lý đi kèm với sự ổn định bền vững.
Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD): NHNN đã triển khai quyết liệt các biện pháp xử lý các TCTD yếu kém theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời bảo đảm duy trì sự an toàn của hệ thống các TCTD, ổn định thị trường tiền tệ và tâm lý của người gửi tiền. NHNN cũng đã đẩy mạnh thực hiện chủ trương sáp nhập, hợp nhất, mua lại TCTD với sự tham gia tích cực của các NHTM nhà nước và một số NHTM cổ phần lớn đã góp phần tăng quy mô của các NHTM.
Xử lý nợ xấu: Sau ba năm kể từ khi lập đề án xử lý với tỷ lệ thống kê lên tới 17% vào tháng 9/2012, nợ xấu đã chính thức giảm về còn 3%. Như vậy, đã hoàn thành sớm trước một quý so với thời điểm mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra (cuối năm 2015).
Tín dụng tăng trưởng hợp lí: Trước đây tín dụng hàng năm tăng cao, trên 30%/năm là một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu phát sinh và tích tụ nợ xấu. Đến thời điểm này tín dụng được kiểm soát phù hợp với tăng trưởng kinh tế và quan trọng là hiệu quả tín dụng được nâng cao, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là vào các lĩnh vực ưu tiên. Theo thống kê của NHNN, 11 tháng năm 2015, tăng trưởng tín dụng đãđạt 14,5-15% và dự báo cả năm có khả năng tăng trên 17%.
Ổn định thị trường vàng: Việc kiểm soát được giá vàng và thị trường vàng cũng là một thành công “đáng nể” của NHNN trong việc kiểm soát và ổn định hệ thống tài chính. Tâm lý muốn găm giữ và hoạt động đầu cơ vàng trong dân chúng đã giảm rõ rệt. Rủi ro liên quan đến kinh doanh vàng của các TCTD về cơ bản đã được xóa bỏ. Từ năm 2011 đến nay, thị trường vàng chuyển biến tích cực theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Không còn những cơn “sốt vàng” gây ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo vệ; tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế được ngăn chặn.
5 bài học kinh nghiệm
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN đã chia sẻ về những bài học kinh nghiệm tạo nên thành công, cụ thể:
Một là, cần kiên định mục tiêu đã đặt ra. Cuối năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 với nhiều giải pháp đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt các bộ, ban, ngành và đặc biệt là NHNN đã rất kiên định trong việc thực hiện các mục tiêu. Đã có nhiều ý kiến chính sách nên thay đổi nhưng NHNN rất kiên định trong việc kiểm soát lạm phát, giúp cho giá trị VND tăng cao. Các tổ chức quốc tế đánh giá cao sự kiên định này của NHNN Việt Nam bởi chính sách luôn có độ trễ, nếu chính sách chưa phát huy mà đã thay đổi thì sẽ không có kết quả bền vững.
Hai là sự phối kết hợp giữa các công cụ một cách đồng bộ, linh hoạt, đúng thời điểm, chủ động dẫn dắt thị trường, nhờ đó đã nhận được sự đồng thuận và chia sẻ của các chuyên gia trong việc tổ chức, sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. NHNN lựa chọn công cụ hiệu quả để sử dụng phù hợp trong thực tiễn. Ví dụ, cũng có ý kiến tại sao NHNN không sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc, nhưng NHNN cho rằng, nếu sử dụng trong điều kiện thanh khoản ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu thì có thể ảnh hưởng. Vì vậy phải chọn công cụ phù hợp. Hay công cụ tái cấp vốn, không phải NHNN không sử dụng mà do các TCTD quản trị tốt nên họ không đến NHTW vay để hỗ trợ thanh khoản.
Ba là, trong điều hành chính sách tiền tệ không chủ quan với lạm phát, luôn nâng cao vị thế của VND. Bên cạnh đó là sự kết hợp các công cụ của chính sách tiền tệ. Ví dụ công cụ tỷ giá và lãi suất luôn theo hướng nâng cao vị thế VND và sẽ thực hiện xuyên suốt trong thời gian tới. NHNN sẽ áp dụng các công cụ nhằm tiếp tục nâng cao vị thế VND để người dân thấy nắm giữ VND luôn được NHNN ủng hộ. Bên cạnh đó, mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức hợp lý.
Bốn là, giải pháp điều hành tốt nhưng phải đi đôi với công tác thanh tra, giám sát. Thời gian qua, NHNN làm tốt cả hai nhiệm vụ trên nên đã giúp cho thị trường có tính kỷ luật hơn. Và điểm nữa, chính sách tiền tệ có sự chủ động trong việc kết hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, thể hiện sự phối hợp của NHNN với các bộ, ban, ngành, trong đó tổ điều hành kinh tế vĩ mô của 4 bộ họp thường xuyên có sự thảo luận, đồng thuận về chính sách. Ngoài ra, NHNN cũng đã phối hợp với tỉnh ủy, UBND các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức các buổi kết nối giữa NH với DN, tháo gỡ rất nhiều vướng mắc về lãi suất, tín dụng, từ đó, hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng theo định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu nguồn vốn theo vùng, lĩnh vực, ngành ưu tiên.
Năm là, làm tốt công tác truyền thông. Nếu truyền thông tốt sẽ tạo ra sự đồng thuận trong truyền tải thực tiễn, định hướng điều hành của NHNN thì thị trường nhanh chóng ổn định. Trước những sự kiện ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, với sự đồng thuận, hỗ trợ của các cơ quan truyền thông đã giúp thị trường nhanh chóng ổn định.