Thách thức tỷ giá và lãi suất trong năm 2016

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Việt Nam được dự báo sẽ đối diện với nhiều thách thức khi cán cân thanh toán bị thâm hụt trong năm 2016. Để duy trì tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể chọn quay lại chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó, tỷ giá và lãi suất có xu hướng tăng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đại diện của NHNN vẫn khẳng định sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế để có phương án điều hành phù hợp. Sau thời gian thắt chặt tiền tệ, từ năm 2013 đến nay, NHNN theo đuổi mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt nhằm hỗ trợ kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng bền vững.

Dự báo tỷ giá tăng 3-5%

Trên thực tế, lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp, có xu hướng giảm dần từ mức 6,81% năm 2012 xuống còn 6,04% năm 2013, giảm về 1,48% năm 2014 và dự báo năm 2015 chỉ khoảng 2%. Lạm phát giảm thấp, lãi suất hiện đã xác lập mặt bằng mới với mức giảm chung khoảng 40% so với thời điểm năm 2011.

Tại hội nghị về thị trường tài chính- bất động sản vừa qua, Ts Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế đã đưa ra nhận định về xu hướng tăng lãi suất và tỷ giá hối đoái trong năm 2016.

Đặt trong mối tương quan với nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc, ông Nghĩa phân tích, Việt Nam có mức lạm phát ngang bằng hai quốc gia này (dưới 1%), nhưng lãi suất lại ở mức cao tới 11%. Trong khi lãi suất cao nhất của Mỹ chỉ là 4,5%, Trung Quốc là 4,3%. Mặc dù lợi suất trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng lên để “hút” lượng vốn lớn trong nền kinh tế nhưng vẫn chưa huy động được đủ như kế hoạch.

Hơn nữa, các ngân hàng Việt Nam đã chịu chi phí quá lớn cho vấn đề nợ xấu, dự phòng rủi ro dẫn tới buộc phải đẩy lãi suất lên quá cao.

Vấn đề đáng lo ngại là năm 2015, Việt Nam xuất hiện hiện tượng thâm hụt cán cân thanh toán quốc tế khiến cho áp lực tăng tỷ giá thêm căng thẳng. Bên cạnh đó, dự tính điều chỉnh tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cùng quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã khiến NHNN phải chủ động tăng tỷ giá 2% và nới biên độ thêm 2%.

Do đó, Ts Lê Xuân Nghĩa dự báo, trước những diễn biến trong nước và quốc tế thì NHNN có thể điều chỉnh tỷ giá hối đoái khoảng 3-5% trong năm 2016.

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng mạnh hơn, cải cách tăng tiền lương, kích thích tiêu dùng thì lạm phát của Việt Nam có thể tăng lên mức 4,9% vào cuối năm 2016. Để duy trì tăng trưởng bền vững, NHNN có thể sẽ xem xét điều hành thắt chặt chính sách tiền tệ vào năm sau và tăng lãi suất thị trường mở (OMO) thêm 0,5% lên mức 5,5% trong quý III/2016.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc điều chỉnh tỷ giá và lãi suất cần hết sức thận trọng, tính toán các yếu tố tác động tới tăng trưởng kinh tế. Vì nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh vẫn còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang “đổ” mạnh vốn vào kênh trái phiếu chính phủ, dẫn tới giảm cung vốn cho thị trường. Lãi suất và tỷ giá tăng sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp trong cân đối bài toán tài chính.

Dự trữ ngoại tệ lại “hao hụt”

Báo cáo của Ngân hàng HSBC còn chỉ ra số liệu đáng ngại về nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam bị sụt giảm mạnh chỉ sau thời gian ngắn. Cụ thể, dự trữ ngoại hối đã bị “bốc hơi” khoảng 6,7 tỷ USD trong quý III/2015, đến cuối tháng 9 chỉ còn 30,3 tỷ USD, tương ứng với 2,1 tháng nhập khẩu (trong khi thời điểm tháng 6 là 2,6 tháng nhập khẩu).

Số liệu dự trữ ngoại hối được NHNN công bố vào cuối tháng 7/2015 là 37 tỷ USD. Nếu tính cả các khoản tiền gửi kho bạc, vàng, tiền của các tổ chức tín dụng… ước chừng lên tới 40 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Công Thương ước tính năm 2015, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ở ngưỡng 173 tỷ USD nên dự trữ ngoại hối sẽ ở dưới ngưỡng an toàn 3 tháng. Thực tế, dự trữ ngoại hối chỉ còn 30,3 tỷ USD, tương ứng 2,1 tháng nhập khẩu là mức cảnh báo đáng ngại.

Trong giai đoạn 2011-2014, NHNN đã công bố số liệu dự trữ ngoại hối tăng trưởng khá lạc quan do thặng dư tài khoản vãng lai dồi dào. Tuy nhiên, trong quý I/ 2015, cán cân tài khoản vãng lai lần đầu tiên bị thâm hụt tới 1 tỷ USD. Theo HSBC, sự thâm hụt này chỉ mang tính chất thời vụ và năm 2016, mức thâm hụt được dự báo sẽ tăng lên mức 1,6% GDP.

Sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8 vừa qua đã tạo sức ép lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam – vốn phụ thuộc lớn về xuất nhập khẩu từ thị trường này. Mức phụ thuộc có thể sẽ sâu sắc hơn khi ngày 1/12 vừa qua, đồng Nhân dân tệ đã chính thức trở thành đồng tiền dự trữ của IMF (SDR) sau nỗ lực 20 năm quốc tế hoá đồng tiền này.

Nguy cơ có thể nhìn thấy trước là Việt Nam sẽ chịu áp lực thanh toán và phụ thuộc nhiều hơn vào đồng Nhân dân tệ, khi đó nguồn thanh toán bằng đồng USD có “hao hụt” đi? Hơn thế, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ chịu áp lực lớn về lãi suất đi vay và trả nợ quốc tế, dẫn tới gây sức ép lên tỷ giá và lãi suất.