Thị trường vừa khởi sắc, doanh nghiệp đã tính “moi tiền” cổ đông
(Tài chính) Thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại, nhiều doanh nghiệp đã đón đầu tính chuyện phát hành. Chỉ trong nửa đầu năm 2014, không ít doanh nghiệp đã kịp tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 so với đầu năm.
Tất nhiên, đi kèm với tăng vốn là doanh nghiệp phải có dự án, có địa chỉ để tiêu tiền. Song, để đồng vốn sinh lời hiệu quả đã là chuyện không đơn giản, chứ đừng nói đến chuyện doanh nghiệp (DN) có thể đạt lợi nhuận lớn như họ vẽ ra trong các phương án huy động.
Nhiều DN đầu tư sang Myanmar kể với nhau câu chuyện rằng, khi cơ quan quản lý Myanmar nhận được thông tin trích từ bài báo trong nước dẫn lời ông chủ một DN niêm yết cho biết lợi nhuận từ dự án đang đầu tư tại đây sẽ rất cao, họ đã khiển trách cơ quan quản lý đầu tư là tính toán ra sao lại để DN Việt Nam có thể đạt lợi nhuận “khủng” như vậy.
Tiền đâu, lợi nhuận đâu cổ đông chưa thấy, chỉ biết rằng với thông điệp như vậy, chắc chắn cơ quan quản lý nước bạn sẽ không thể để DN đạt siêu lợi nhuận như họ hứa hẹn với cổ đông khi huy động vốn cho dự án.
Với DN huy động vốn để thực hiện các dự án bất động sản trong nước, rủi ro không nhỏ khi lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, huy động vốn trả trước của khách hàng hiện không dễ dàng như trước. Người mua hiện cũng chẳng mặn mà bỏ vốn mua nhà trên giấy của các dự án mới xong móng. Nếu DN không có tiềm lực tài chính, rất có thể dự án sẽ rơi vào cảnh dở dang. Khi ấy, DN đừng mong có lợi nhuận lớn.
Theo một thống kê chưa đầy đủ, từ đầu năm đến nay, trên TTCK, có tới gần 50 DN lên kế hoạch tăng vốn. Việc này có tính 2 mặt. Với DN, nguồn vốn từ cổ đông không bị áp lực trả gốc và lãi nặng nề như vay ngân hàng. Nhưng mặt trái của việc lạm phát hành lại rất lớn, không chỉ gây hại cho cổ đông, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới cả thị trường.
Thông thường, DN phải mở tài khoản tại ngân hàng để nhận tiền góp vốn. Kết thúc đợt phát hành, DN phải có xác nhận của ngân hàng về số tiền đã huy động được.
Tuy nhiên, chưa ai kiểm tra tính chính xác của những bản xác nhận này. Vậy là có nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu cổ đông lớn, ban lãnh đạo DN thực hiện những kế hoạch phát hành “khủng” có rót tiền thực vào DN như các cổ đông khác hay họ chỉ rót vốn ảo?
Nhà đầu tư cũng một đôi lần đọc được thông tin DN niêm yết báo cáo việc sử dụng vốn huy động được trong vòng 6 tháng kể từ khi kết thúc đợt phát hành. Nhưng việc công bố thông tin này theo nhiều DN là không bắt buộc, bởi vậy, họ thực hiện cậu nệ, báo cáo một cách qua loa.
TTCK đã trải qua cơn đau kéo dài hồi những năm 2010 khi DN ồ ạt huy động vốn và đua nhau làm mất vốn, nhà đầu tư do đó cũng mất niềm tin và chưa dám trở lại thị trường. Nay DN đã có thể tận dụng vai trò kênh dẫn vốn trung dài hạn của thị trường thì thật đáng quý. Song nếu DN lạm dụng phát hành, huy động vốn tràn lan và sử dụng kém hiệu quả, lần này, quãng thời gian để nhà đầu tư lấy lại niềm tin vào thị trường có thể sẽ lâu hơn và cái giá là rất đắt.