Thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 diễn biến ra sao?
Với nhiều yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2022 dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý IV, sản lượng gạo xuất khẩu có nhiều khả năng sẽ cán mốc 6,5 triệu tấn vào cuối năm, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,3 tỷ USD.
Bất ngờ với gạo tấm
Thị trường xuất khẩu gạo diễn ra bình thường trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kể từ tháng 10, thị trường đã có những diễn biến bất ngờ khi Ấn Độ-quốc gia chiếm 40% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu đã ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này.
Với lo ngại về an ninh lương thực và mong muốn nâng cao giá gạo xuất khẩu, ngày 8/9, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9/2022). Đồng thời, Ấn Độ cũng áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).
Năm 2021, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,5 triệu tấn gạo, nhiều hơn tổng số gạo của 4 nước xuất khẩu lớn gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cộng lại. Riêng chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, Ấn Độ đã xuất khẩu gần 10 triệu tấn gạo.
Việc Ấn Độ đánh thuế 20% gạo trắng và gạo lức đã làm giá gạo xuất khẩu của quốc gia này tăng thêm khoảng 50USD/tấn, nhưng dự báo cũng vì giá gạo đắt hơn mà sản lượng xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể giảm đến 6 triệu tấn so với năm 2021.
Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu gạo tấm lớn nhất thế giới. Do vậy, khi quốc gia này dừng xuất khẩu gạo tấm đột ngột đã làm cho nguồn cung mặt hàng này thiếu hụt trầm trọng.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), do hạn hán mất mùa nên nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự báo sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 6 triệu tấn. Trong đó gần một nửa lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc là gạo tấm, chủ yếu từ Ấn Độ để làm thức ăn chăn nuôi cũng như sản xuất rượu và đồ ăn nhẹ.
Ngoài Ấn Độ, thì chỉ có Miến Điện, Thái Lan, Pakistan có mặt hàng gạo tấm nhưng sản lượng rất ít. Việt Nam tuy là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhưng sản lượng gạo tấm sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và còn phải nhập khẩu thêm từ Ấn Độ khoảng hơn 400.000 tấn/năm. Hiện tại Việt Nam không có mặt hàng gạo tấm để xuất khẩu.
Do khan hiếm nguồn cung, hiện nay giá gạo tấm đã tăng vọt lên gần bằng gạo 25% tấm. Theo bảng giá gạo tham khảo của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), ngày 13/10, giá gạo tấm của Pakistan đã đạt 376 USD/tấn ngang bằng với gạo 25% tấm. Gạo tấm Thái Lan cũng đã đạt 381 USSD/tấn, trong khi gạo 25% tấm của quốc gia này chỉ vào khoảng 400 USD/tấn.
Thị trường xuất khẩu gạo năm 2023 diễn biến ra sao?
Theo báo cáo mới nhất của USDA, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự báo đạt 512,4 triệu tấn, giảm 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó và giảm 1,2 triệu tấn so với niên vụ trước. Nguyên nhân là do thiên tai, mất mùa, sản lượng gạo tại Ấn Độ, Bangladesh và châu Âu giảm. Sản lượng gạo tồn kho chỉ khoảng 178,5 triệu tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Trong khi đó, dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2022-2023 có thể đạt 518,7 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với niên vụ trước. Tiêu thụ gạo tại Philipines, Trung Quốc, Bangladesh, Nepal, Nigeria và kể cả Việt Nam sẽ tăng.
Trong đó, Trung Quốc dự kiến nhập khẩu 6 triệu tấn gạo, Philipines dự kiến nhập khẩu 3,4 triệu tấn, Liên minh châu Âu nhập khẩu 2,5 triệu tấn, Nigeria nhập khẩu 2,2 triệu tấn, Mỹ dự kiến nhập khẩu 1,4 triệu tấn, các quốc gia dự kiến nhập khẩu từ 1 triệu tấn gạo trở lên gồm: Bờ Biển Ngà, Ghana, Iran, Iraq, Malaysia, Nepal, Ả Rập Saudi, Senegal, Nam Phi và các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tổng nhu cầu gạo thương mại toàn cầu niên vụ 2022-2023 dự bán đạt trên 54,7 triệu tấn.
Về nguồn cung, do quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất là Ấn Độ, diện tích gieo trồng giảm 13%, sản lượng giảm 0,9%, giá gạo nội địa đã tăng 7% nên quốc gia này đã ban hành chính sách đánh thuế gạo xuất khẩu và hạn chế xuất khẩu để đảm bảo anh ninh lương thực và bình ổn thị trường nội địa. Dự báo cả năm 2022 Ấn Độ chỉ xuất khẩu khoảng trên dưới 16 triệu tấn gạo, giảm khoảng 6 triệu tấn so với năm 2021.
Theo thông tin từ Bộ Thương mại Thái Lan, nước này đã xuất khẩu 687.118 tấn gạo các loại trong tháng 8/2022, tăng 19% so với tháng 7/2022 và tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, với các thị trường xuất khẩu chính là Iraq, Nam Phi, Mỹ và Benin. Lũy kế xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 Thái Lan đã xuất khẩu 4,77 triệu tấn gạo, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả xuất khẩu gạo trong 8 tháng đầu năm 2022 vừa qua, Bộ Thương mại Thái Lan dự kiến con số xuất khẩu cả năm 2022 sẽ vượt mục tiêu 7,5 triệu tấn gạo các loại.
Về xuất khẩu gạo của Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 9 tháng đầu năm xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt sản lượng trên 5,4 triệu tấn, với kim ngạch 2,64 tỷ USD, tăng 19,3% về sản lượng, 9,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 438 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 418 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan cùng loại từ 18-23 USD/tấn và đang dẫn đầu về giá xuất khẩu trên thị trường gạo.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VFA Nguyễn Ngọc Nam, giá gạo xuất khẩu năm 2022 chưa phản ánh đúng chất lượng của hạt gạo Việt Nam.
"Với trình độ canh tác được nâng lên, chất lượng giống cũng được cải thiện, gạo Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu, thị hiếu của thị trường nhưng giá xuất khẩu chưa được cải thiện, thậm chí còn sụt giảm, đây là một bất hợp lý của thị trường lúa gạo hiện nay", ông Nam nhận xét.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Thành IV cho biết, hiện công ty đang xuất khẩu các loại gạo thơm, dẻo chỉ với giá 490-500 USD/tấn. Trong khi cùng thời điểm này của năm 2019, giá xuất khẩu loại gạo này từ 540-560 USD/tấn.
"Sản xuất lúa gạo của nước ta hiện nay không thua kém quốc gia nào, chất lượng hạt gạo cũng được cải thiện qua từng năm.
Xuất khẩu gạo năm 2022 mặc dù rất thuận lợi về mặt thị trường nhưng giá cả chưa được tốt, trong khi chất lượng hạt gạo được nâng lên, chi phí sản xuất, logistics tăng nhưng giá bán gạo lại sụt giảm, đây là một điều bất hợp lý đối với ngành hàng lúa gạo hiện nay", ông Thành phân tích.