Thích ứng với áp lực

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Thị trường mở cửa, các dòng thuế xuất nhập khẩu được cắt giảm, sản phẩm ngoại sẽ tràn ngập… Đó là những áp lực buộc các doanh nghiệp Việt cần đổi mới, vươn lên để thích ứng…

Thích ứng với áp lực
Môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng và ngày càng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nguồn: internet

Theo lộ trình thực hiện các Hiệp định thương mại ASEAN, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tất cả các mặt hàng nhập khẩu đều không còn chịu thuế. Cụ thể, từ tháng 1.2015, các hàng nhập khẩu vào nước ta sẽ cắt giảm hơn 1.700 dòng thuế từ 5% xuống 0%. Theo đó trong năm nay sẽ chỉ còn 7% dòng thuế, tương đương trên 600 mặt hàng được xem là nhạy cảm nhất chưa cắt giảm về 0%. Thực tế đến thời điểm hiện nay việc cắt giảm các dòng thuế xuất nhập khẩu là bắt buộc và đúng lộ trình.

Điều đó cũng có nghĩa các mặt hàng ngoại nhập sẽ tràn ngập thị trường nội. Và môi trường kinh doanh sẽ thông thoáng và ngày càng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, ở góc độ người tiêu dùng trong nước, việc này có lợi bởi nguồn hàng hóa nhiều, cơ hội mua hàng giá rẻ cao. Hơn thế, hàng ngoại nhập cơ bản chất lượng tốt được người sử dụng tin tưởng. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng các sản phẩm sản xuất của mình khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bởi thực tế, bấy lâu nay chất lượng các sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong nước chưa khiến người dùng yên tâm; hoặc có nhiều sản phẩm tốt lại chỉ chú trọng đến việc xuất khẩu.

Nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp trong nước chưa thực sự quan tâm đến thị trường nội địa. Kế hoạch đầu tư cho thị trường nội địa với nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ mang tính ý tưởng, chiến lược. Cũng chính bởi sự chậm chạp này mà sự lo lắng của các doanh nghiệp sản xuất trong nước với các sản phẩm ngoại cũng là điều dễ hiểu. Và đối thủ với các doanh nghiệp Việt không chỉ là những nhà sản xuất lớn ở châu Âu mà còn chính là các nhà sản xuất ở ngay cạnh chúng ta. Đơn cử như Thái Lan, về các sản phẩm hàng tiêu dùng đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất lâu năm, được nhiều đối tác nước ngoài chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm. Hơn nữa, họ lại chủ động được nguyên liệu, công nghệ nên kiểm soát chất lượng và giá thành rất tốt.

Theo đó, để có thể tồn tại trong cuộc chiến với sản phẩm ngoại sẽ tràn ngập thị trường nước ta trong thời gian tới đây, doanh nghiệp nội địa phải chủ động đổi mới cách nghĩ, cách làm. Đó là tập trung nguồn lực để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm như đổi mới dây chuyền sản xuất, mẫu mã hàng hóa và tính toán lại giá thành, giá bán sản phẩm. Đặc biệt, các doanh nghiệp có khả năng tài chính và kinh nghiệm cần quan tâm hơn đến thiết kế nhằm tạo cá tính riêng cho sản phẩm của doanh nghiệp mình.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các kênh phân phối do tự thân doanh nghiệp làm chủ cũng được xem là hướng đi khôn ngoan để hàng hóa tiếp cận nhanh với người tiêu dùng và củng cố thương hiệu. Một giải pháp hiệu quả nữa đó là liên kết các nhà bán lẻ với doanh nghiệp sản xuất hay các nhà bán lẻ khác để chống đỡ trước những đại gia lớn, giàu tiền bạc.