Thiết lập, hoàn thiện hành lang pháp lý phát triển điện hạt nhân

Minh Đức

(Tài chính) Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để phát triển bất kỳ lĩnh vực nào, yêu cầu đầu tiên đặt ra là cần phải có hành lang pháp lý. Đối với phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam cũng đang đặt ra yêu cầu thiết lập và hoàn thiện hành lang lý để mở đường cho lĩnh vực này phát triển…

Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho chiến lược phát triển điện hạt nhân là một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với Việt Nam. Nguồn: Internet
Hoàn thiện hành lang pháp lý phục vụ cho chiến lược phát triển điện hạt nhân là một trong những yêu cầu hàng đầu đặt ra đối với Việt Nam. Nguồn: Internet

Vấn đề phát triển điện hạt nhân để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, giảm tải các áp lực cho thủy điện và nhiệt điện đã được Việt Nam đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự được đẩy mạnh thực hiện trong những năm gần đây bởi những yêu cầu bức bách từ thực tiễn thiếu hụt nguồn điện và các nguồn tài nguyên truyền thông đang bị cạn kiệt nhanh chóng.Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2006/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình.

Trong đó, Quyết định nêu rõ: Đến năm 2020 nước ta sẽ hoàn thành xây dựng và đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. Từ đó đến nay, Việt Nam đã rất tích cực thực hiện các yêu cầu cần thiết để phát triển điện hạt nhân. Cụ thể là, cùng với việc xây dựng nhà máy, chuẩn bị nguồn nhân lực, việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật về điện hạt nhân là một trong ba trụ cột quan trọng của chương trình phát triển năng lượng hạt nhân quốc gia.

Thời gian qua, các bộ, ngành đã tích cực nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA). Qua đó, đã xây dựng được hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu đáp ứng yêu cầu triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, không làm ảnh hưởng tới tiến độ chung của dự án.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, đây là vấn đề rất mới ở nước ta, nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải xây dựng từ đầu, các cơ quan, bộ, ngành chưa có nhiều kinh nghiệm, nên tiến độ xây dựng, soạn thảo văn bản còn chậm, chất lượng còn có điểm hạn chế, khối lượng nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần ban hành phục vụ dự án điện hạt nhân còn rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân, kịp thời đáp ứng yêu cầu, tiến độ của dự án điện hạt nhân, mới đây Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề điện hạt nhân.

Theo đó, Phó thủ tướng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013. Các bộ, ngành nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, các quy định quốc tế, hướng dẫn của IAEA để làm rõ hệ thống khung quy phạm pháp luật, đưa ra đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân cần ban hành, bao gồm cả các quy chế, quy định cần thiết đối với từng bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Trước mắt, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, nghiên cứu, đề xuất những vấn đề trực tiếp liên quan tới việc triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ để chủ động đề xuất ban hành các nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc thông tư của các bộ, đưa vào trong kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân để kịp thời đáp ứng yêu cầu của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận để thống nhất thứ tự ưu tiên, tiến độ và nguồn vốn thực hiện của các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để bảo đảm có nguồn vốn cho địa phương thực hiện từ năm 2015.

Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp, cập nhật kế hoạch soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân giai đoạn 2013 - 2020, có kế hoạch phân bổ thời gian, nguồn lực, chuyên gia, kinh phí phù hợp để tổ chức soạn thảo, đáp ứng yêu cầu theo tiến độ thực hiện của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, trình Thủ tướng Chính phủ  xem xét, quyết định trong tháng 12/2014.