Thiếu điều kiện cho thuê tài chính nông thôn
(Tài chính) Nhu cầu thuê mướn máy móc nông nghiệp phục vụ cơ giới hóa của nông dân rất lớn nhưng các điều kiện để phát triển dịch vụ cho thuê tài chính trong lĩnh vực này chưa hấp dẫn được các tổ chức tín dụng.
Thiếu cả máy lẫn người
Phân tích của các cơ quan ngành Nông nghiệp cho thấy sở dĩ việc cơ giới hóa diễn ra chậm như trên là do thiếu các điều kiện cơ bản để phát triển mạng lưới cơ giới hóa nông nghiệp một cách đồng bộ.
TS. Phạm Văn Tấn (Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) cho rằng, ở các nước có nền nông nghiệp phát triển như Thái Lan, Nhật Bản, để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp họ hình thành một mạng lưới bao gồm các bên liên quan như: Nhà nước, nhà phân phối máy nông nghiệp, các viện trường, các TCTD, các nhóm dịch vụ cơ giới nông nghiệp và nhóm nông dân hưởng lợi.
Trong mạng lưới này, Nhà nước có vai trò đưa ra các chính sách hỗ trợ, các đề xuất với các nhà phân phối máy nông nghiệp và chỉ đạo các TCTD thực hiện các chính sách hỗ trợ tài chính. Các viện trường tư vấn cho Nhà nước để chính quyền làm các nhiệm vụ trên, đồng thời thực hiện đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các nhóm dịch vụ và nhóm nông dân hưởng lợi. Các TCTD cho các nhà phân phối máy nông nghiệp và nhóm dịch vụ vay vốn. Và cuối cùng nhóm dịch vụ cơ giới hóa sẽ cho thuê các dịch vụ cơ giới hóa và thu phí từ nhóm nông dân hưởng lợi.
Tại Việt Nam, những năm gần đây cũng bắt đầu hình thành mạng lưới này tuy nhiên mức độ gắn kết giữa các bên liên quan còn rất sơ sài. Bản thân các nhóm sản xuất, phân phối máy nông nghiệp, nhóm dịch vụ cơ giới hóa đều không có đủ tài chính và nhân lực để phát triển.
Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, trong vòng 40 năm qua các khoa cơ khí của 5 trường đại học có đào tạo ngành kỹ sư nông nghiệp đã đào tạo khoảng 15.000 kỹ sư cơ khí nông nghiệp nhưng chỉ có 4% trong số này làm nghề liên quan đến máy móc nông nghiệp và chưa được 1% hoạt động trong lĩnh vực cơ giới hóa. Chính vì thiếu nhân lực, cộng thêm việc ít được hỗ trợ về tài chính từ Nhà nước và hỗ trợ kỹ thuật từ các viện trường nên các cơ sở sản xuất phân phối máy nông nghiệp chủ yếu chế tạo các loại máy móc thông dụng, hầu hết các máy móc khác dựa vào nguồn nhập khẩu.
Đối với nhóm làm dịch vụ cơ giới hóa khó khăn về nhân lực và tài chính cũng xảy ra tương tự. Việc mua sắm các loại máy móc cơ giới hóa hiện đại tốn kém nhiều tiền bạc trong khi đó hiệu quả sử dụng và thu hồi vốn không cao khiến các DN tư nhân không mặn mà. Một số DN mạnh dạn đầu tư thì cũng chỉ đầu tư vào những loại máy móc có khả năng sử dụng tần suất lớn hoặc dễ vận hành, kiểm tra, bảo trì và hướng dẫn người dân sử dụng.
Trong khi đó về phía người nông dân, một mặt không có đủ tài chính để mua sắm các loại máy móc lớn như máy gặt, lò sấy, phương tiện vận chuyển. Mặt khác nguồn lao động chính (thanh niên nông thôn) ngày càng trở nên khan hiếm nên mỗi vụ thu hoạch đều phải dựa vào đội ngũ thương lái. Chính vì thế có những nơi khi mới vào vụ người dân thuê máy gặt giá 260 ngàn đồng/công lúa, nhưng khi rộ vụ thì mức giá đội lên 300-400 ngàn đồng/công vẫn không có máy.
Điểm tựa cho TCTD bấp bênh
Mới đây, trong một diễn đàn bàn về vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng ĐBSCL, một số cơ quan quản lý ngành Ngân hàng kiến nghị các TCTD có thể phát triển loại hình tín dụng cho thuê tài chính nhằm khắc phục hạn chế về tài sản đảm bảo khi tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NN – NT). Tuy nhiên, xét trong bối cảnh chung như trình bày ở trên có thể thấy rằng “điểm tựa” để các TCTD chen chân vào lĩnh vực cho thuê tài chính NN – NT còn quá bấp bênh.
Thực tế, trong vòng 4-5 năm nay, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng vào khu vực NN – NT luôn ở mức 20-30%, cao hơn gấp 2-2,5 lần mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế, nhưng các TCTD mới chỉ tập trung chủ yếu vào việc cho vay theo các chương trình được Chính phủ và ngành Ngân hàng chỉ đạo (như cho vay theo Nghị định 41, Văn bản 1149/TTg-KTN, Chương trình thí điểm theo chuỗi…).
Một số NHTM mạnh dạn đưa ra những mô hình mới như mô hình tự xây dựng kho trữ cà phê tại Tây Nguyên để cho thuê kinh doanh của HDBank, mô hình đầu tư giống cho các HTX nông nghiệp để chuyển đổi cây trồng của LienVietPostBank… Tuy nhiên, các mô hình này cũng mới chỉ manh nha, chưa thành hệ thống. Chủ yếu các ý tưởng mới chỉ được chính bản thân các ngân hàng đưa ra và áp dụng chứ chưa có sự phối hợp để trở thành mạng lưới đồng bộ, tác dụng tương hỗ cho nhau.
Nói tóm lại, trong hoàn cảnh hiện nay, để cho các TCTD, trong đó bao gồm các ngân hàng, các công ty tài chính, cho thuê tài chính có thể chen chân vào được lĩnh vực cho thuê tài chính NN – NT thì cần phải có một điểm tựa vững chắc. Điểm tựa này chính là sự gắn kết của mạng lưới 6 “nhà”. Trong đó, các “nhà” lớn như Nhà nước, nhà khoa học (viện, trường), nhà sản xuất, phân phối máy móc nông nghiệp phải thể hiện được vai trò và trách nhiệm của mình.
Chỉ khi nào các chính sách hỗ trợ tài chính được cụ thể hóa, các viện trường đủ sức cung ứng các sản phẩm máy móc chất lượng, hỗ trợ chuyển giao cho các nhóm sản xuất, phân phối và nhóm dịch vụ thì các nhóm này mới có điều kiện phát triển mạnh và khi đó họ mới phát sinh nhu cầu vay vốn tín dụng hoặc hợp tác đầu tư lĩnh vực cho thuê tài chính nông thôn với các ngân hàng và các công ty tài chính.