Thỏa thuận xanh EU: Doanh nghiệp cần đẩy mạnh thích ứng
Việc đẩy mạnh thích ứng với Thoả thuận xanh của Liên minh châu Âu (EU) là vô cùng cấp bách trong bối cảnh EU từng bước thực thi các mục tiêu trong thỏa thuận này.
Ảnh hưởng mạnh mẽ
Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) là kế hoạch toàn diện và dài hạn của EU nhằm đối phó với khủng hoảng khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Để thực hiện Thỏa thuận xanh, EU đang và sẽ xây dựng các chính sách xanh trong nhiều lĩnh vực kinh tế, đặt ra các tiêu chuẩn và yêu cầu mới, ảnh hưởng đến nhiều nhóm chủ thể trong các hoạt động liên quan.
Với vai trò thị trường xuất khẩu quan trọng, việc thực hiện Thỏa thuận xanh không chỉ gây ảnh hưởng riêng tới EU, mà đồng thời cũng sẽ có tác động đáng kể đến xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trên thực tế, tại châu ÂU, Thỏa thuận xanh đang đối mặt với đe dọa về chi phí chuyển đổi, khi EU gặp khó khăn trong việc duy trì kế hoạch không có lãi từ 2021 đến 2027. Số tiền dành cho kế hoạch này đã vượt xa so với dự kiến ban đầu, gây ra sự thất vọng và phản ứng từ nông dân. Cuộc biểu tình của nông dân châu Âu lan rộng là một phản ứng rõ ràng, với sự lo ngại về các quy định mới liên tục thay đổi, khiến cho việc kinh doanh nông nghiệp trở nên không ổn định và khó dự đoán.
Đại diện của Đảng Nhân dân châu Âu (EPP), nhà lập pháp Peter Liese phản ánh tâm trạng tiêu cực này khi nói rằng: “Mọi người đều thất vọng với các quy định mới hàng năm. Không một người nông dân nào có thể đoán trước được điều gì đang xảy ra trên mảnh đất của mình, loại quy tắc nào mà họ phải tuân theo trong những năm tới?”
Về phía Việt Nam, các chính sách xanh của EU đang tác động đến xuất khẩu thông qua nhiều phương diện khác nhau. Đầu tiên, việc tăng cường các tiêu chuẩn "xanh, bền vững" đối với hàng hóa xuất khẩu là một trong những điểm phổ biến nhất. Tiếp theo, các quy định về trách nhiệm tài chính của nhà sản xuất đối với mục tiêu "xanh, bền vững" cũng đang được tăng cường. Cuối cùng, yêu cầu về thủ tục khai báo thông tin và trách nhiệm giải trình khi nhập khẩu, cũng như cung cấp thông tin về các khía cạnh "xanh, bền vững" của sản phẩm cho người tiêu dùng, cũng đang được đặt ra.
Có 7 nhóm hàng hóa chịu tác động mạnh nhất của Thoả thuận xanh EU, bao gồm: Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan; Nông sản như cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt và thủy sản; Thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; Ngành dệt may và giày dép; Hóa chất, phân bón, pin và ắc quy; Ngành công nghiệp sắt thép và nhôm; Bao bì của các loại sản phẩm, đặc biệt là bao bì thực phẩm và hóa chất.
Cơ hội và thách thức
Thỏa thuận xanh và các biện pháp thực thi liên quan không chỉ đa dạng về số lượng và phức tạp về tính chất, mà còn không ngừng phát triển qua thời gian. Thiếu sự đồng nhất trong các tiêu chuẩn xanh và lộ trình chuyển đổi là một thách thức đối với Việt Nam khi xuất khẩu sang EU.
Các chính sách xanh của EU đặt ra nhiều yêu cầu phức tạp đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam, đặc biệt là về việc tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT), an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS). Đối mặt với những thách thức này, các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp phải có khả năng chuyển đổi công nghệ, quản lý chuỗi cung ứng, cải thiện kỹ năng lao động và tuân thủ quy trình giải trình, khai báo và lưu trữ thông tin.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đang gặp khó khăn với vốn, công nghệ và quản lý, đồng thời đang phải đối mặt với môi trường kinh doanh không ổn định. Do đó, việc đáp ứng các yêu cầu từ Thỏa thuận Xanh trở thành một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
Ông Đỗ Tiến Trình - Tổng Giám đốc Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn, cho biết: "Phải tăng thêm chi phí tín chỉ carbon từ 10 - 50 Euro trên 1 tấn sản phẩm nếu không khai báo trung thực phát thải CO2. Có rất nhiều những khó khăn, thách thức: Thứ nhất là rào cản về mặt công nghệ; thứ hai là liên quan đến những cơ chế chính sách của nhà nước".
“Sử dụng bùn thải làm nguyên liệu thay thế bớt cho đất sét; đốt lò bằng rác, để giảm bớt đốt than... trong thời gian qua, Công ty Xi măng VICEM Bút Sơn đã giảm được khoảng 20% lượng khí các bon thải ra môi trường. Nhưng để xuất khẩu sang EU được thuận lợi, doanh nghiệp còn phải giảm thêm nhiều”, ông Trình chia sẻ.
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU vẫn có thể đáp ứng các yêu cầu xanh của EU nếu các doanh nghiệp chuẩn bị từ sớm. Các chính sách xanh của EU thường được thảo luận công khai trước khi có hiệu lực, và thường có lộ trình triển khai từng bước, giúp doanh nghiệp thích ứng theo thời gian. Ngoài ra, không phải mọi tiêu chuẩn xanh đều đòi hỏi chi phí tuân thủ cao, và một số tiêu chuẩn đã được doanh nghiệp áp dụng từ trước theo yêu cầu của khách hàng, giúp giảm thiểu sự thay đổi đột ngột trong hoạt động kinh doanh.
Tuy các chính sách xanh của EU đưa ra nhiều thách thức cho xuất khẩu Việt Nam, nhưng về dài hạn, việc thực hiện chuyển đổi xanh có thể tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp. Tại Hội thảo "Thoả thuận xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam: Những điều doanh nghiệp cần biết”, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ: “Là thị trường lớn, EU luôn nằm trong top đầu về kim ngạch xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam. Do đó, việc theo dõi và thích ứng với các chính sách trong khuôn khổ Thoả thuận xanh EU là yêu cầu cấp bách đối với doanh sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để duy trì và phát triển bền vững ở thị trường EU nói riêng và những thị trường cũng đang có những hành động chuyển đổi xanh theo hướng tương tự.”
Từ góc độ thị trường, việc này giúp doanh nghiệp tiếp cận sớm thị trường sản phẩm xanh của EU, thu hút khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng. Đồng thời, việc thích ứng sớm với yêu cầu xanh của EU cũng đảm bảo khả năng xuất khẩu sang các thị trường khác đang thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường. Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh có thể tăng cường hiệu suất kinh doanh và tiết kiệm chi phí trong dài hạn. Trên mặt bằng vĩ mô, việc tham gia chuyển đổi xanh cũng góp phần vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.