Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp là cần thiết
Chính phủ đã có quyết định yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp. Có ý kiến cho rằng, Nhà nước đã làm đúng vai trò của mình. Nhưng cũng có ý kiến bày tỏ băn khoăn, lo ngại làm thế nào để doanh nghiệp giữ được thương hiệu của họ? Về vấn đề này, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã chia sẻ với báo giới tại hành lang Quốc hội.
Phóng viên: Thoái vốn Nhà nước ở 10 doanh nghiệp có gặp khó khăn gì, thưa ông?
Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội: Theo tôi, việc thoái vốn Nhà nước hiện nay đang gặp khó khăn, bởi Nhà đầu tư trong nước tiềm lực tài chính cũng có hạn. Nếu chỉ khoanh lại Nhà đầu tư trong nước, thì giá chỉ ở mức độ thôi. Nếu cho phép mở rộng đối tượng mua, cần phải xem xét lại mức giá đối với Nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cổ phiếu Nhà nước cần bán tăng lên, thì giá cả Nhà nước bán được mới tăng lên và khi đó hiệu quả việc thu hồi vốn Nhà nước sát thị trường mới được đảm bảo.
Sau khi thoái vốn Nhà nước, liệu các doanh nghiệp có giữ được thương hiệu của họ, theo ông?
Thương hiệu có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế thị trường và là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Giá trị doanh nghiệp trước khi thoái vốn, đã tính đến giá trị thương hiệu của daonh nghiệp đó. Do vậy, nếu bán công khai cạnh tranh trên thị trường chứng khoán, hoặc đấu giá rộng rãi thì phần vốn của doanh nghiệp đã được tính đến giá trị tài sản cũng như giá trị thương hiệu. Theo tôi, sức sống của thương hiệu phụ thuộc vào chính chất lượng hoạt động của doanh nghiệp và sức cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp đó cung ứng trên thị trường.
Ông đánh giá ra sao về chủ trương thoái vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp?
Chủ trương này rất cần thiết! Căn cứ vào Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Chính phủ đã trình và Quốc hội chấp thuận, trong đó có nội dung đồng ý thoái vốn trong các doanh nghiệp.
Có ý kiến cho rằng, những nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài muốn thay đổi thương hiệu, thì các doanh nghiệp thoái vốn có giữ được thương hiệu của mình không?
Phải nói thế này cho rõ, thương hiệu phụ thuộc vào chủ sở hữu. Trong điều kiện niêm yết trên thị trường, và đã bán cho các chủ thể, thì phụ thuộc vào Đại hội cổ đông với chức năng biểu quyết thay đổi, bổ sung thêm thương hiệu và đó là thẩm quyền của họ. Về phía Nhà nước chỉ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước có thương hiệu và trong giới hạn cho phép thì quảng bá thương hiệu đó để đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường thế giới, cũng như phổ biến thị trường trong nước để không bị thua trên sân nhà và thúc đẩy xuất khẩu.
Xin cảm ơn ông!