Thời của bất động sản “giá mềm”

Minh Hà

(Tài chính) Có lẽ chưa có thời điểm nào thị trường bất động sản Hà Nội lại giảm giá “siêu sốc” như thời điểm hiện nay, với hàng loạt dự án đồng loạt giảm giá bán tới 20 - 30% để “đẩy” hàng, thu hồi vốn trong bối cảnh thị trường còn tràn ngập các gam màu xám.

Đồng loạt giảm giá…

Theo khảo sát của phóng viên Tài chính và Đầu tư, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đang chứng kiến cảnh hàng loạt các dự án đua nhau giảm giá bán, đặc biệt là chung cư cao cấp. Điều đáng nói, kể cả giảm giá bán tới 20 - 30% vẫn không có người mua vì tâm lý chờ đợi giảm giá bán hơn nữa vào năm 2013. Đại diện một số sàn giao dịch BĐS cho biết, ngoại trừ các dự án giá thấp, hiện nay hầu hết các dự án trung và cao cấp đang mở bán tại khu vực phía Tây, Đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương, Xa La, An Khánh, Gia Lâm… có lượng giao dịch khá ít cho dù giá bán đã được chủ đầu tư giảm giá “sốc” tới 30%. Chẳng hạn, khu đô thị mới Dương Nội A nằm trên đường Lê Văn Lương kéo dài, giá chỉ còn 35 - 37 triệu đồng/m2, giảm hơn một nửa so với mức giá 70 - 80 triệu đồng/m2 trước đây. Khu đô thị mới An Hưng có vị trí tương tự Dương Nội, hiện đã bàn giao nhà cho khách hàng nhưng giá biệt thự hướng đẹp giảm về 45 - 47 triệu đồng/m2, giá nhà liền kề ở mức 50 - 51 triệu đồng/m2. Trong khi đó, khu đô thị Văn Khê đã giao nhà được 2 năm, giá liền kề từ cuối năm 2011 là khoảng 80 triệu đồng/m2, đến nay được nhiều sàn giao dịch chào bán 50 triệu đồng/m2. Khu đô thị Văn Phú, giá nhà liền kề, biệt thự trục đường lớn hiện khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2, đường nhỏ 45 - 50 triệu đồng/m2, giảm 40% so với thời điểm năm 2011.

Không nằm ngoài xu hướng giảm giá, phân khúc chung cư  cũng đồng loạt giảm giá bán căn hộ để tăng tính thanh khoản. Cụ thể, dự án giảm giá gây “sốc” nhất trên thị trường năm 2012 có lẽ là chung cư Đại Thanh (nằm trên đường 70 cạnh Cầu Tó, huyện Thanh Trì - Hà Nội), với giá bán 10 triệu đồng/m2 sau hai đợt giảm giá (đợt 1 mở bán với giá 14 - 14,7 triệu đồng/m2 và đợt 2 mở bán giảm xuống còn 13 – 13,5 triệu đồng/m2). Chưa hết, chung cư VP 3 Linh Đàm ( quận Hoàng Mai - Hà Nội) cũng được coi là dự án có mức giá bán khá “mềm”, giảm giá bán từ 32 triệu đồng/m2 xuống còn 22 triệu đồng/m2. Tương tự, mới đây, dự án Mandarin Garden (đường Hoàng Minh Giám – Hà Nội) đã đưa ra chương trình giảm giá sốc, dao động từ 29 - 38 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), thay vì mức giá 45 triệu đồng/m2 như đợt mở bán đầu tiên.

“Thời gian tới, thị trường có khởi sắc hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là dòng vốn. BĐS tồn quá nhiều, lại thiếu vốn, thị trường bất động sản năm 2013 sẽ khó thoát khỏi tình trạng ảm đạm”. 

Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội

Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng cho rằng, sở dĩ thị trường địa ốc giảm gía mạnh như vậy là do nhà đầu tư, người tiêu dùng mất niềm tin vào thị trường, cùng với đó “đói vốn” cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư buộc phải hạ giá bán để thoát hàng.

 …đã chạm “đáy” ?

 Trước ý kiến và tâm lý của nhiều khách hàng cho rằng, chờ đợi thêm thời gian sang năm 2013, giá BĐS sẽ còn giảm tiếp. Tuy nhiên, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, chưa ai dám chắc được giá bất động sản năm 2013 sẽ còn giảm tiếp nữa hay không. Còn thời điểm hiện tại, việc rất nhiều chủ đầu tư đang phải chịu áp lực từ lãi suất ngân hàng và chốt lợi nhuận năm 2012 rõ ràng là có thật. Bằng chứng cụ thể là rất nhiều dự án giá “mềm” buộc phải bung hàng vào dịp cuối năm.

Ông Nguyễn Hồng Thái, Tổng giám đốc Hải Phát, chủ đầu tư dự án chung cư Phúc Thịnh cho biết, trước những diễn biến mới của thị trường đã buộc nhiều chủ đầu tư phải thay đổi chiến lược kinh doanh như: giảm giá, chia nhỏ diện tích căn hộ để đáp ứng đúng nhu cầu thực của người dân. “Cuối năm, các chủ đầu tư đã mở bán các dự án căn hộ có cơ cấu diện tích và giá thành phù hợp với túi tiền của người dân. Đây chính là cơ hội cho người mua nhà chọn các sản phẩm hợp lý với túi tiền của mình”, ông Thái, nói.

 Ở khía cạnh khác, TS. Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu kinh tế và Quản lý Trung ương nhìn nhận, nếu các điều kiện kinh tế vĩ mô không xấu đi, nhiều khả năng thị trường sẽ đi lên, tính thanh khoản ở các phân khúc nhà giá rẻ, diện tích nhỏ vừa phải sẽ được cải thiện. Cũng theo ông Chung, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trường BĐS vẫn lên xuống theo một chu kỳ nhất định. Sau hơn 2 năm trầm lắng và có thể nói là “đã ở đáy” vào giữa năm 2012, thị trường sẽ phải đi lên theo quy luật, dẫu rằng có thể khác nhau từ địa bàn, phân khúc, loại hình hay từng doanh nghiệp cụ thể, song xu thế chung của thị trường phải tìm kiếm lối đi lên là khá rõ nét. “Tuy nhiên, cuối năm cũng là giai đoạn mang tính quyết định đối với không ít chủ đầu tư bắt buộc phải từ bỏ thị trường, bán lại dự án vốn đang phải quá lệ thuộc vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, trong khi tiến độ vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Chung phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu thừa nhận, hiện nay, giá BĐS đang giảm sâu, thậm chí có nơi giá bán đã giảm đến 30%, có công ty bán chịu lỗ vẫn không bán được hàng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp có dư nợ lớn, một số khoản vay đã trở thành nợ xấu cộng với lãi suất vay rất cao đang là gánh nặng vượt sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Có thể nói, trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, theo nhận định của các chuyên gia BĐS, cách duy nhất để các doanh nghiệp tồn tại là giảm giá bán để sản phẩm nhà đất đến được với khách hàng, đồng thời cũng là cách tăng tính thanh khoản cho thị trường.