Trung tâm C4IR và TP. Tampere (Phần Lan): Đẩy mạnh hợp tác phát triển khoa học công nghệ và xây dựng đô thị thông minh
TP. Hồ Chí Minh và TP. Tampere (Phần Lan) với những điểm tương đồng về tầm nhìn và tiềm lực sẵn có đã mở ra nhiều cơ hội trong việc đẩy mạnh hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Con người là nhấn tố chính dẫn dắt phát triển khoa học kỹ thuật
Tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu TP. Tampere do ông Jouni Markkanen, Phó Thị trưởng Thành phố dẫn đầu (ngày 21/5), ông Lê Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) cho biết, bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, C4IR đã và đang đẩy mạnh các giải pháp thực hành trong phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là chuyển đổi công nghiệp và sản xuất thông minh.
Đây còn là giải pháp then chốt để phát triển kinh tế tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, trong khi trên địa bàn có đến 98% số lượng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đang hoạt động.
Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh cũng rất chú trọng đến xây dựng đô thị thông minh, thông qua giải pháp sử dụng IoT, kết nối internet (4G/5G), thu thập dữ liệu và hỗ trợ khách hàng 24/7; xây dựng và sử dụng vật liệu thông minh.
Cùng lúc, Thành phố cũng triển khai thí điểm dự án ứng dụng 5G trong lĩnh vực logistics… Tuy nhiên, ông Duy cũng nhấn mạnh về việc xác định con người chính là yếu tố trung tâm để dẫn dắt quá trình phát triển khoa học kỹ thuật.
Sau khi nghe chia sẻ từ phía C4IR, Phó Thị trưởng TP. Tampere nhận thấy nhiều điểm tương đồng về cách tiếp cận và tầm nhìn giữa hai Thành phố, đồng thời đánh giá cao hướng đi của Trung tâm C4IR và đồng tình với quan điểm xác định con người là nhân tố chính trong phát triển KHCN của C4IR đưa ra.
Ông Jouni Markkanen cho biết, TP. Tampere đã và đang thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên về AI, sản xuất thông minh và năng lượng tái tạo, nhất là lĩnh vực hydrogen (năng lượng sạch), cùng với thế mạnh là đã có kinh nghiệm trong việc sử dụng AI để quản trị Thành phố, sản xuất chip…
“Mặc dù không phải là một quốc gia có quy mô lớn, nhưng Tampere và Phần Lan nói chung có cùng mục tiêu trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất thông minh và phát triển KHCN. Đối với TP. Hồ Chí Minh, TP. Tampere mong muốn được hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và cùng triển khai những dự án mang tính chiến lược trong phát triển KHCN, chuyển đổi số”, ông Jouni Markkanen nói.
Mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực
Phân tích sâu hơn về các lĩnh vực tiềm năng để cùng hợp tác, ông Duy cho rằng, cả hai Thành phố đều có những thế mạnh và tiềm năng rất lớn, có thể bỗ trợ lẫn nhau trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị thông minh, đào tạo nguồn nhân lực…
Cụ thể, trong lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, TP. Tampere đã khẳng định vị thế tiên phong thông qua chương trình Smart Tampere từ năm 2017, cũng như đang phát triển chiến lược Metaverse đô thị đầu tiên trên thế giới - Tampere Metaverse Vision 2040.
Với nền tảng này, Trung tâm C4IR có thể phối hợp với các đối tác như TP. Tampere, Đại học Tampere và các DN công nghệ để tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu về ứng dụng AI, IoT và Metaverse trong phát triển đô thị thông minh.
Trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số công nghiệp, C4IR có thể hợp tác với AI Hub Tampere để triển khai chương trình “Tăng tốc AI cho SMEs". Theo đó, các DN vừa và nhỏ tại TP. Hồ Chí Minh sẽ được tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ AI từ các chuyên gia Tampere.
Bên cạnh đó, C4IR có thể phối hợp với Trung tâm Quantum Technology Finland (QTF) để tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo trực tuyến và thực địa về công nghệ lượng tử; xây dựng các dự án thí điểm ứng dụng lượng tử trong sản xuất, logistics và bảo mật dữ liệu.
Với Ota Nano, hai bên có thể phát triển các chương trình trao đổi nghiên cứu viên, sinh viên thực tập tại phòng thí nghiệm công nghệ lượng tử, nano và cảm biến.
Đối với lĩnh vực sản xuất thông minh, C4IR có thể hợp tác với Trung tâm năng lực sản xuất và máy móc thông minh (VTT SMACC) để triển khai chương trình “Nhà máy số hóa thí điểm" và mời các DN sản xuất của TP. Hồ Chí Minh tham gia các dự án mô phỏng sản xuất, lập kế hoạch phát triển nguyên mẫu, thử nghiệm công nghệ mới và đánh giá mức độ trưởng thành số.
Các chuyên gia từ VTT SMACC sẽ hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, để thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, C4IR có thể hợp tác với MEX Finland, FCAI và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Tampere để tổ chức chương trình tăng tốc khởi nghiệp song phương để lựa chọn các startup tiềm năng trong lĩnh vực Al, đô thị thông minh, sản xuất thông minh và công nghệ lượng tử để hỗ trợ phát triển sản phẩm, kết nối nhà đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế. Cùng lúc, hai bên có thể thành lập quỹ đầu tư chung cho startup đổi mới sáng tạo, tổ chức các cuộc thi đổi mới sáng tạo và diễn đàn khởi nghiệp quốc tế thường niên giữa hai Thành phố.
Riêng lĩnh vực đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, C4IR có thể phối hợp với các trường Đại học tại Tampere để xây dựng chương trình đào tạo nghề song phương, tập trung vào các lĩnh vực như AI, dữ liệu lớn, tự động hóa, sản xuất thông minh và công nghệ lượng tử. Đồng thời, có thể triển khai các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên, tổ chức các khóa học ngắn hạn, workshop, bootcamp với sự tham gia của chuyên gia Tampere và Việt Nam.
Ngoài ra, cả hai bên còn có thể đẩy mạnh hợp tác, triển khai lĩnh vực tiềm năng như: logistics thông minh; xây dựng và sản xuất vật liệu thông minh; sàn giao dịch công nghệ Quốc tế, đây không chỉ là nơi mua bán, mà là nền tảng để cùng hợp tác nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới dựa trên quy chuẩn chung trước khi thương mại hóa…
Ông Lê Trường Duy, Giám đốc Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tin tưởng rằng, với nền tảng vững chắc của cả hai bên, những chương trình hợp tác này sẽ mang lại giá trị thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức, xây dựng đô thị thông minh và nâng tầm quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Phần Lan lên tầm cao mới.
Ông Jouni Markkanen bày tỏ sự quan tâm, sẵn sàng hợp tác và mong muốn sớm triển khai các dự án, đồng thời, đánh giá cao những ý tưởng hợp tác do C4IR đề xuất. Phó Thị trưởng cũng cho rằng, cuộc gặp gỡ này đã đặt nền móng vững chắc và mở ra nhiều cơ hội hợp tác đôi bên cùng phát triển và góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa TP. Tampere và Trung tâm C4IR nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung.
“Thời gian tới, TP. Tampere và TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cùng nhau triển khai các dự án, kế hoạch trong lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số đi vào thực tiễn. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cả hai Thành phố trong kỷ nguyên số”, ông Jouni Markkanen nhấn mạnh.