Lo ngại về tai nạn lao động và thực phẩm “bẩn” ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp

Thu Dịu

Tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng và thực phẩm không bảo đảm an toàn đang đặt ra những lo ngại lớn trong môi trường sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Việc kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trong KCX - KCN luôn được cơ quan quản lý duy trì.
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể trong KCX - KCN luôn được cơ quan quản lý duy trì.

Thông tin tại hội thảo “An toàn thực phẩm - An toàn lao động công nghệ cao” tổ chức tại Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh diễn ra ngày 23/5, ông Đinh Cao Tuấn, chuyên viên Phòng Việc làm, An toàn lao động (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2024, cả nước ghi nhận 8.286 vụ tai nạn lao động, tăng 892 vụ, tương đương 12,1% so với năm trước. Số người bị nạn lên tới gần 8.500 người (tăng 919 người, tương ứng 12,2%).

Đáng chú ý, các công ty TNHH và công ty cổ phần là nơi xảy ra nhiều tai nạn chết người nhất, với tỷ lệ lần lượt là 28,4% và 26,12% về số vụ; 27,5% và 27,19% về số người thiệt mạng. Tiếp theo là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp.

Theo ông Tuấn, quy định pháp luật hiện hành cho phép đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở chuyển giao hồ sơ cho đoàn điều tra cấp tỉnh nếu chưa thể hoàn tất việc điều tra tai nạn chết người. Đồng thời, nhiều nghị định và thông tư như Nghị định 39/2016/NĐ-CP, Nghị định 44/2016/NĐ-CP... đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc xử lý các vụ tai nạn lao động.

Trong đó, các trường hợp người lao động gặp tai nạn giao thông khi đang làm việc hoặc đi lại phục vụ công việc cũng thuộc phạm vi điều tra tai nạn lao động, theo Điều 35 của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Ngoài vấn đề an toàn lao động, hội thảo còn đặt ra câu hỏi về trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm tại các doanh nghiệp, đặc biệt trong các Khu công nghiệp và Khu công nghệ cao, nơi hàng nghìn lao động đang sử dụng suất ăn mỗi ngày.

Ông Trương Thành Công, Phòng Quản lý hành nghề, Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng ô nhiễm thực phẩm đang diễn biến phức tạp, với nhiều nguy cơ từ tác nhân gây hại xâm nhập vào thực phẩm trong quá trình chế biến, vận chuyển và bảo quản. Các sự cố an toàn thực phẩm, như ngộ độc hoặc bệnh truyền qua thực phẩm, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tính mạng người lao động.

Do đó, đại diện Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo, người trực tiếp chế biến thực phẩm phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, không mắc các bệnh truyền nhiễm như tả, thương hàn, viêm gan A, E... Các thiết bị bảo quản và vận chuyển thực phẩm phải sạch sẽ, không gây ô nhiễm.

Đặc biệt, tại các bếp ăn doanh nghiệp, thực phẩm và nguyên liệu sử dụng phải có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm vệ sinh, được lưu mẫu. Thức ăn chế biến sẵn cần được bảo quản trong tủ kính hoặc thiết bị hợp vệ sinh, đặt trên giá cao, tránh bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại.

Hiện Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đang phối hợp các cơ quan liên quan để triển khai tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo Quyết định 75/QĐ-ATTP ban hành ngày 27/3/2024, nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng của chủ cơ sở, người chế biến trong ngành dịch vụ ăn uống.