Thời điểm thích hợp để bắt đáy cho nhà đầu tư dài hạn
Thị trường tiếp tục thử thách tâm lý nhà đầu tư, có thể điều chỉnh sâu hơn trong các phiên tới. Ngược lại, đây sẽ cơ hội với các nhà đầu tư dài hạn, có đủ tiền gom mua, bắt đáy trong các nhịp chỉnh.
Tiếp tục “test” tâm lý thị trường
VN-Index ghi nhận tuần giảm điểm lớn nhất kể từ tháng 6/2024 khi đánh rơi 32 điểm trong tuần qua (21/10-25/10), đóng cửa tại 1.252,72 điểm, tương đương giảm 2,55% so với tuần trước đó. Lực bán đã lan rộng và ảnh hưởng đến hơn 2/3 số cổ phiếu niêm yết tại sàn HOSE.
Phần lớn áp lực giảm điểm được hình thành trong hai ngày giao dịch 24/10 và 25/10, khi áp lực chốt lời xảy ra tại một số cổ phiếu ngân hàng cùng với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác.
Ngoại trừ, một số cổ phiếu như VCB, EIB, LPB và HDB, phần lớn các cổ phiếu còn lại của ngành Ngân hàng đều giảm từ 2% đến 6% so với tuần trước. Đặc biệt là trường hợp của STB và BID, kết thúc tuần giao dịch với mức giảm lần lượt 7,5% và 5,5% so với mức đỉnh của tuần trước. Ngoài ra, một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM ghi nhận mức giảm gần 10% từ đỉnh cùng khiến tâm lý giao dịch trở lên hoang mang và tác động đến cả các nhóm khác.
Sau gần như 5 phiên giảm điểm liên tiếp, tâm lý giao dịch càng trở nên thận trọng với giá trị giao dịch khớp lệnh vào ngày 25/10 chỉ đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, dù bình quân 5 phiên vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ 2% so với tuần trước, đạt 14,4 nghìn tỷ đồng, do phiên khớp lệnh đột biến hơn 17 nghìn tỷ đồng vào ngày 22/10.
Mùa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 chưa thể trở thành nhân tố kích hoạt lực cầu trước sức ép điều chỉnh đến từ động thái hút ròng liên tục của Ngân hàng Nhà nước tuần qua. Mặc dù các báo cáo tài chính quý III đã được công bố gần hết, nhưng dường như chưa thể tạo cú huých đáng kể để cải thiện tâm lý thị trường. Điều này phản ảnh sự thận trọng cao độ của các nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường còn nhiều rủi ro.
Tính đến ngày 26/10, đã có 642 doanh nghiệp niêm yết (đại diện gần 32% vốn hóa toàn thị trường) đã công bố kết quả kinh doanh quý III. Trong đó, tổng lợi nhuận sau thuế của 642 công ty tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 7,8% so với quý trước, chủ yếu do kết quả kém khả quan ở nhóm Tài chính khi so sánh với quý II/2024.
Đối với riêng VN-Index, đã có khoảng 160 doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, đại diện cho khoảng 23% tổng vốn hóa thị trường, công bố kết quả kinh doanh quý III với tổng lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng giảm 3,23% so với quý II/2024.
Điểm sáng của thị trường tuần qua có lẽ đến từ động thái mua ròng 1,41 nghìn tỷ đồng của nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước; riêng tự doanh mua vào 680 tỷ đồng. Lực mua phần lớn tập trung tại FUEVFVND (184 tỷ đồng), VNM(111 tỷ đồng), STB (91 tỷ đồng), MBB (80,7 tỷ đồng).
Chọn lọc các mã tốt để mua vào, tích lũy
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect, tuần qua, thị trường điều chỉnh mạnh một phần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước áp lực tỉ giá gia tăng buộc Ngân hàng Nhà nước quay trở lại phát hành tín phiếu sau hơn 2 tháng tạm dừng, nhằm hút thanh khoản dư thừa trên hệ thống.
Động thái này đã kéo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng lên và kéo giảm chênh lệch lãi suất giữa tiền đồng và USD để hỗ trợ tỷ giá. Điều này khá tương đồng với giai đoạn thị trường điều chỉnh và đi ngang trong giai đoạn tháng 6 và tháng 7.
Tuy vậy, ông Hinh cho rằng áp lực tỷ giá lần này chỉ là tạm thời do kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, từ đó gây áp lực điều chỉnh lên đồng USD. Cụ thể, thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành trong 2 cuộc họp sắp tới vào tháng 11 và tháng 12 tới.
Theo đó, chuyên gia của VNDirect kỳ vọng, thị trường sẽ sớm chứng kiến lực cầu bắt đáy khi VN-Index giảm về vùng hỗ trợ mạnh 1.240 – 1.245 điểm và xác suất thủng vùng hỗ trợ này là thấp. Khi chỉ số về đến vùng 1.23x, hoặc sâu nhất là 1.200 điểm thì sẽ có sự bật hồi mạnh, có thể sẽ tạo đáy đi lên. Chính vì thế, đó sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn, có lượng tỷ trọng tiền mặt cao. Nếu bắt đáy, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực như: Ngân hàng, Bất động sản nhà ở, nhóm xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ)…
Chuyên gia Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ duy trì ổn định tại vùng hỗ trợ 1.250 điểm sau khi lực bán đã dần có dấu hiệu chậm lại vào phiên ngày 25/10. Tuy nhiên, thận trọng sẽ là điều cần phải lưu ý trong ít nhất từ 2 đến 3 phiên giao dịch tiếp theo khi áp lực bán tăng đột ngột có thể khiến VN-Index tiếp tục giảm và kiểm định vùng hỗ trợ thấp hơn tại 1.230 điểm.
Tuy nhiên, đối với nhà đầu tư dài hạn, thời điểm này có thể xem là cơ hội để tìm kiếm những cổ phiếu tiềm năng với mức giá hấp dẫn. Việc giải ngân nên được thực hiện từng phần và theo dõi sát sao các yếu tố tỷ giá cũng như diễn biến của khối ngoại.
Tương tự, nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, xu hướng ngắn hạn đang điều chỉnh, tích lũy, có thể quá trình tích lũy sẽ còn kéo dài khi thị trường vào khoảng trống thông tin sau kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2024, cũng như thông tin bất định về bầu cử Mỹ sắp đến.
Vì vậy, vùng giá hợp lý của VN-Index là 1.250 điểm - 1.260 điểm, tương ứng với vốn hóa toàn thị trường khoảng 290 tỷ USD. Nhà đầu tư nên hạn chế bán thêm ở vùng giá này, duy trì tỷ trọng hợp lý, các vị thể giải ngân cần cẩn trọng chọn lọc các mã chất lượng tốt. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt, sau khi đánh giá kết quả kinh doanh quý III.